Khai giảng - vì sao phải tập?

Bảo Hoàng Thứ sáu, ngày 05/09/2014 10:58 AM (GMT+7)
Trước ngày 5.9, ở khắp nơi, các trường tiểu học, trung học cơ sở phải tập khai giảng kể cả ngày nghỉ (1 và 2.9).
Bình luận 0

Khai giảng – vì sao phải tập? Câu hỏi của nhiều phụ huynh đặt ra khi đã chứng kiến hơn 10 năm qua, ngày khai giảng đã nguôi đi cảm xúc. Ngày khai giảng như diễn lại những gì học sinh đã phải tập bở hơi tai từ việc xếp hàng, đi lại, nghiêm nghỉ, chào... theo hiệu lệnh.

Thầy và trò, khách và chủ cùng đóng vai cho đẹp, cho sang. Phải chăng, các nhà trường, thầy cô quá kỳ vọng, mong muốn một buổi lễ khai giảng không có sai sót, chỉn chu để đẹp mặt với quan khách, phụ huynh? Xét cho cùng sự hoàn hảo đó chẳng có điều gì sai.

Song, ngành giáo dục cần thấu hiểu- việc tổ chức tập dượt đến hàng tuần, nhuần nhuyễn những động tác không chỉ mang đến cho học trò sự mệt mỏi về thể chất, tâm lý mà còn mất đi sự háo hức, rưng rưng và hồi hộp trong ngày khai giảng. Khi hồi trống trường vang lên, tâm hồn non trẻ nhất cũng mơ hồ cảm nhận thấy sự lo toan và những cảm xúc thiêng liêng – Năm học mới!

Giờ đây, ngày khai trường, những nỗi lo như nặng trĩu hơn không chỉ phụ huynh, thầy cô giáo mà những “suy tư rất người lớn” đã lan vào tâm hồn non trẻ. Nhiều trường trước ngày khai giảng, các em đã bước vào việc học từ lâu. Những em học sinh lớp 1, lần đầu tiên dự khai giảng nhưng đã được làm quen với lịch học tuần, đã được học thành thạo chương trình mà lẽ ra thời gian sau các em mới tiếp xúc. Thế nên, sự háo hức, vô tư của cả thầy và trò không còn nguyên vẹn nữa.

“...Con chích chòe đậu xuống cành bưởi, cạnh cửa sổ. Nó hót một hồi dài như đánh thức em dậy. Nhưng chích chòe nhầm rồi. Hôm nay là ngày khai trường, em dậy sớm hơn cả chích chòe. Em mặc quần áo mới, tay xách cặp mới. Mẹ dắt tay em tới trường. Cô giáo tươi cười đón em vào lớp học”.

Đọc trang văn về ngày khai trường như thế, lại liên tưởng đến việc giảng dạy môn ngữ văn hôm nay có một điều tối quan trọng lại không mấy ai để ý: Mục đích của dạy văn chương là gì? Nếu là lấy kiến thức sống và phát triển trí tuệ duy lý (IQ) thì nên thúc đẩy việc thi trắc nghiệm. Nhưng nếu lấy thái độ sống và phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) thì việc đẩy cao thi trắc nghiệm là vô lối. Dạy văn là dạy cho trẻ làm người, cách làm người và cảm xúc của con người làm nên sáng tạo, đi tới thành công. Buồn thay, càng nhìn rộng ra các môn khác càng thấy... bất hài lòng.

Thiếu đi một triết lý khoa học, thiếu suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm với giáo dục, người ta dễ dàng đẻ ra những việc rườm rà như tập khai giảng. Bao giờ ngành giáo dục xóa được bệnh thành tích, bệnh hình thức? Câu trả lời... dường như còn bỏ ngỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem