Khai quật Hải Vân Quan, Huế và Đà Nẵng được phân chia hiện vật thế nào?

Trần Hòe Thứ tư, ngày 09/05/2018 19:30 PM (GMT+7)
Di tích Hải Vân Quan đang được khai quật khảo cổ, Bộ VHTTDL là cơ quan quyết định việc phân chia hiện vật cho Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng.
Bình luận 0

Chiều nay (9.5), tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan.

Theo quyết định của Bộ VHTTDL, việc khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan sẽ được thực hiện đến ngày 3.9 tới trên diện tích 600m2. Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương.

Quyết định của Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, những hiện vật thu giữ trong quá trình khai quật tạm lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.

img

Hải Vân Quan tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, là hệ thống phòng thủ quân sự và là danh thắng nổi tiếng xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. 

Việc phân chia hiện vật cho Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng sẽ được Bộ VHTTDL quyết định trên cơ sở phương án đề xuất của Sở VHTTDL Thừa Thiên- Huế và Sở VHTTDL Đà Nẵng.

Sau kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

TS.Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế- cho biết: Việc khai quật chính thức được tiến hành vào ngày 5.5, trước đó Trung tâm đã cho rà phá bom mìn để phục vụ cho công tác khai quật.  

img

Hiện trường khai quật khảo cổ tại Hải Vân Quan

Theo ông Hải, đợt khai quật lần này được thực hiện nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan. Hoạt động này nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình.

Di tích Hải Vân Quan tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Đây là hệ thống phòng thủ quân sự của triều Nguyễn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1826, đồng thời là một danh thắng rất nổi tiếng.

Công trình nằm ở độ cao 490m so với mặt nước biển, là cửa ải phía nam của kinh đô nên được triều Nguyễn bố trí nhiều hạng mục công trình phòng thủ quân sự như hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công…

Sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho khắc ba chữ “Hải Vân Quan” lên cổng hướng về phía tỉnh Thừa Thiên - Huế và sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lên cổng hướng về phía Đà Nẵng.

Trong một thời gian dài, do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý giữa Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng nên di tích này bị bỏ hoang phế, xuống cấp rất nghiêm trọng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem