Khám phá "tuyệt chiêu" tàu ngầm phóng máy bay của Mỹ, Nhật

Thứ tư, ngày 05/02/2014 18:56 PM (GMT+7)
Để máy bay có thể lấy độ cao thì cần phải có bệ phóng là sân bay trên bộ hay tàu sân bay trên biển. Nhưng giờ, quân đội Mỹ có thêm một cách thức mới để phóng máy bay là phóng chúng từ trong lòng biển. Những chiếc tàu ngầm có thể sẽ phóng được máy bay ngay lên bầu trời.
Bình luận 0
Tàu sân bay ngầm của Mỹ

Phòng thí nghiệm Nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ (NRL) đã phóng thành công máy bay không người lái trên không (XFC UAS) từ tàu ngầm USS Providence (SSN 719) thuộc lớp Los Angeles của hải quân Mỹ. Hệ thống máy bay không người lái XFC đã được phóng theo phương thẳng đứng, từ một thiết bị phóng có tên “Sea Robin” gắn trên tàu ngầm USS Providence khi nó vẫn đang lặn dưới biển. Kỹ thuật được sử dụng trong hệ thống này tương tự với cách hải quân triển khai các tên lửa hành trình Tomahawk.

Chiếc I-402
Chiếc I-402

Thật ra, hệ thống XFC được thiết kế để nằm gọn trong một ống phóng vốn dùng để phóng các tên lửa hành trình Tomahawk. Sau khi đã phóng ra khỏi tàu ngầm, các cánh của máy bay không người lái sẽ xòe ra và chuyển sang đường bay theo phương song song với mặt biển. Trong đợt phóng thử nghiệm, sau khi rời tàu thành công, máy bay không người lái đã thực hiện một chuyến bay được hải quân Mỹ miêu tả là thành công, kéo dài vài giờ. Bản thân chiếc XFC có thể bay hơn 6 tiếng nhờ các pin nhiên liệu có sẵn kết hợp với cả các pin năng lượng mặt trời.

Hải quân Mỹ đã mất 6 năm để nghiên cứu và sản xuất hệ thống phóng máy bay từ tàu ngầm. Họ khẳng định việc thử nghiệm đã thành công tốt đẹp và mở ra cho hải quân Mỹ một chân trời mới trong việc phát triển hải quân cũng như không quân thuộc hải quân. Hải quân Mỹ cũng cho biết hệ thống mới này dự kiến sẽ giúp hải quân Mỹ thu thập các thông tin tình báo then chốt, thực hiện do thám và giám sát. Điều này sẽ giúp Mỹ kiểm soát tốt hơn những vùng biển mà họ muốn khám phá. Một chiếc tàu ngầm tàng hình dưới nước vài chục mét phóng lên chiếc máy bay do thám bay là là mặt biển trong đêm rồi thâm nhập đất liền thì đúng là ma không biết, quỷ chẳng hay.

Tuy nhiên, cần nhớ là người Mỹ rất giỏi trong việc kế thừa và sáng tạo. Họ sẽ không hài lòng khi thấy tàu ngầm chỉ phóng được máy bay không người lái cho mục đích do thám. Nếu đã thành công trong việc phóng thiết bị bay nhẹ kiểu XFC thì họ có thể cải tiến để phóng máy chiến đấu. Người Mỹ nghĩ ra được sân bay nổi đến làm bá chủ các đại dương thì họ cũng có thể nghĩ được và làm được những tàu sân bay chìm dưới nước.

Nhưng người Nhật đã có từ 70 năm trước


Đầu tháng vừa qua, chỉ vài ngày trước ngày kỷ niệm 72 của cuộc tấn công Trân Châu Cảng, người ta đã tìm thấy một con tàu đắm được xác định là một tàu ngầm lớn của Nhật Bản, bị chìm ngoài khơi bờ biển của Hawaii. Nó có thể là dấu vết lịch sử của Thế chiến II khi Nhật đại chiến với Mỹ. Các nhà nghiên cứu Mỹ biết về sự tồn tại của con tàu này nhưng giờ họ mới tìm ra xác của nó. Đống đổ nát đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển Oahu, sâu nửa dặm dưới bề mặt đại dương.

Đó là con tàu huyền thoại thuộc lớp Sen Toku (tàu ngầm tấn công bí mật) được đóng bởi hải quân đế quốc Nhật Bản. Trong Thế chiến 2, hải quân Nhật định đóng 18 con tàu này nhưng do chiến tranh vượt tầm kiểm soát, khó khăn vật liệu, nhân công nên chỉ có 3 con tàu được hoàn thành là tàu I-400, I-401 và I-402. Chiếc I-404 đóng xong đến 95% thì bị trúng bom và không thể hoàn thành. Chiếc I-405 đang đóng dang dở thì cũng ngừng lại vì không đủ kinh phí. Các tàu dự định đóng khác bị hủy ngay trên bàn giấy.

Trong 3 chiếc đóng xong đưa vào phục vụ chiến tranh thì có 2 chiếc bị chìm ở Hawaii còn 1 chiếc bị chìm ở Goto. Tàu ngầm lớp Sen Toku sau đó ít được nhắc đến nhưng với người Nhật, nó là niềm tự hào đáng đi vào huyền thoại vì nó chứng tỏ sức sáng tạo của người Nhật. Chiếc tàu mới tìm thấy được xác định là I-400 và bạn có thể gọi nó là tàu sân bay dưới lòng biển.

XFC UAS
XFC UAS

Chúng là loại tàu ngầm sân bay có thể mang 3 chiếc thủy phi cơ Aichi M6A Seiran. Chúng có thể đi đến, phóng máy bay và lặn xuống trước khi bị phát hiện. Tuy nhiên loại tàu ngầm này cũng được trang bị ngư lôi để có thể thực hiện việc tác chiến. Lớp I-400 được thiết kế để có thể đi đến bất cứ đâu trên thế giới và trở về.

Cụ thể hơn, mỗi tàu có 4 động cơ diesel 3.000 mã lực và mang đủ nhiên liệu để đi một vòng rưỡi quanh Trái đất. Chúng nặng 6.500 tấn và dài 400 feet (120m) gấp ba lần tàu ngầm bình thường hiện tại. Chúng mang 4 súng phòng không, một khẩu pháo trên mạng tàu và 8 ống phóng ngư lôi. Chúng có thể mang 3 chiếc thủy phi cơ Aichi M6A Seiran mỗi chiếc có thể mang 800kg bom đạn và bay xa 650km với tốc độ 295 dặm/giờ.

Cánh của Seiran có thể gấp lại, đuôi ngang và dọc của máy bay có thể gập xuống để có thể thu nhỏ đường kính của máy bay cho vừa với khoan chứa. Khi chuẩn bị chiến đấu máy bay có sải cánh 40 feet (12m) và chiều dài là 38 feet (11,6m). Sẽ có một nhóm bốn người chuẩn bị cho ba chiếc máy bay trong vòng 45 phút. Máy bay sẽ cất cánh trên bệ phóng dài 37m đặt trên boong tàu. Sự tồn tại của loại máy bay này hoàn toàn không được biết đến đối với tình báo của quân Đồng Minh.

Tại sao người Nhật lại xây dựng loại vũ khí siêu lợi hại này? Khi mà chiến tranh chuyển sang thế bất lợi cho Nhật Bản và các hạm đội của họ không thể di chuyển một cách tự do không hạn chế trên Thái Bình Dương nữa Tổng tư lệnh của hạm đội Liên Hợp Nhật Bản, đô đốc Yamamoto Isoroku đã quyết định xây dựng một kế hoạch táo bạo là tấn công thành phố New York, Washington D.C và các thành phố khác của Hoa Kỳ cũng như phá hủy kênh đào Panama.

Một trong các kế hoạch của Yamamoto là sử dụng các tàu Sen Toku (tàu ngầm tấn công bí mật) vì thế một tàu đã lên đường đến kênh đào Panama để chuẩn bị tấn công vào ngày khai trương năm 1945. Mục tiêu là cắt đứt đường tiếp tế đi đến Thái Bình Dương của các tàu Hoa Kỳ. Hải trình được đặt ra là sẽ trực chỉ về phía tây xuyên qua Ấn Độ Dương vòng qua mũi phía nam châu Phi và tấn công cổng Gatun Locks của kênh đào ở phía đông, một cuộc tấn công trực diện và bất ngờ sẽ làm cho quân Mỹ không kịp trở tay và không thể phòng thủ hiệu quả.

Tuy nhiên trước khi cuộc tấn công có thể bắt đầu thì thông tin được phát ra tại căn cứ hải quân ở Maizuru đến được Nhật Bản là quân đồng minh đang chuẩn bị tấn công vào đảo. Kế hoạch đổi thành tấn công căn cứ hải quân của quân đồng minh tại Ulithi nơi là bàn đạp cho các cuộc tấn công. Trước khi kế hoạch đó được thực hiện thì Nhật hoàng đã phải ra tuyên bố đầu hàng. Khi Mỹ tiếp quản các tàu ngầm này như chiến lợi phẩm thì Liên Xô ngỏ ý muốn đến “nghiên cứu”. Mỹ đã nhanh chóng đánh chìm các tàu ngầm lớp Sen Toku họ tịch thu được mà cũng chưa xơ múi được nhiều. Dù sao, Mỹ cũng "chôm chỉa" được của Nhật một vài ý tưởng từ việc phóng máy bay từ tàu ngầm.

Rất có thể người Nhật vẫn giữ được những tinh hoa từ việc phóng máy bay từ tàu ngầm nhưng vì bị hạn chế phát triển quân sự nên Nhật không chế tạo loại tàu ngầm siêu khủng này. Nếu được bật đèn xanh, người Nhật hoàn toàn dễ dàng sản xuất ra hạm đội tàu ngầm sân bay như họ từng làm 70 năm trước. Những quốc gia muốn giỡn mặt với Nhật trên biển và không phận trên biển của Nhật hãy coi chừng.

Anh Tú (Thế giới & Hội nhập) (Anh Tú (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem