Khám phá kỳ bí của thuật "võ bùa" nơi núi Sam

Thứ ba, ngày 15/10/2013 18:16 PM (GMT+7)
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng võ Việt xôn xao bởi sự xuất hiện của một phái võ kỳ lạ, gọi là"thần quyền" hay "võ bùa". Người theo môn võ này không dụng về kỹ thuật, sức lực mà chỉ cần thổi nhang, uống bùa, gọi thần chú là có ngay sức mạnh lạ kỳ.
Bình luận 0
Chính cách thức kỳ dị đó mà Thất Sơn thần quyền không được chấp nhận như 1 môn võ “danh chính ngôn thuận” và dần phải lui vào ẩn dật.

Tuy nhiên, tại An Giang vẫn có 1 số "ông đạo" rèn luyện môn "võ bùa" này với những điều kiêng kỵ và thể thức kỳ quái. Chúng tôi đã có may mắn được tiếp cận và xin nêu một số điều ít biết về môn võ từ lâu đã bị cho là thất truyền này.
Tây An cổ tự trên núi Sam.
Tây An cổ tự trên núi Sam.
Ông đạo trên núi Sam

Trong vai những người đi “tầm sư học đạo” chúng tôi tìm về vùng Thất Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang - nơi vốn nổi tiếng với những huyền tích ly kỳ. Nhờ một vài mối quan hệ, chúng tôi được “chỉ điểm” rằng trên núi Sam, cạnh Tây An cổ tự có một ông đạo sống ẩn dật, thường gọi là thầy Hai rất rành về “thần quyền”.

Từ thị xã Châu Đốc đến chân núi Sam khoảng 5 cây số. Tuy không hùng vĩ, nhưng núi Sam mang một di sản đồ sộ với hàng loạt di tích cấp quốc gia “náu mình” trên sườn núi. Nổi tiếng nhất là chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu...

Thật may mắn cho chúng tôi khi trong những ngày rong ruổi tại vùng Thất Sơn, chúng tôi đã làm quen được với anh Ba Hùng, 47 tuổi, ngụ cù lao Tân Phú, An Giang, là người đã từng “thọ ơn” thầy Hai. Anh Hùng kể mình là người ở cù lao Tân Phú nhưng dạt đến tận đây làm nghề bán rau câu dạo, có khi là chạy xe ôm. Trong một lần bất cẩn, anh bị “thư”, ăn uống không được mà bụng cứ trương sình lên, may nhờ thầy Hai cứu giúp, không thì cũng bỏ mạng nơi này.

“Thư” đọc trại theo tiếng Khmer là “thnup”, nghĩa là bị bỏ bùa. Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tại tỉnh An Giang. Trước đây, người Khmer ở Thất Sơn gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Vì thế, người dân ở đây vẫn thường thêu dệt những câu chuyện kỳ bí về người Khmer. Và cho đến bây giờ, rất nhiều người vẫn tin rằng người Khmer có khả năng sử dụng bùa chú để “thư” người khác.

Tương truyền, “thư” là cách hóa phép cho một vật to lớn, ví như một nắm tóc rối, con đỉa, khúc gỗ… biến thành nhỏ xíu, rồi bỏ vào đồ ăn thức uống của người muốn bỏ bùa. Sau khi vào bụng, những vật trên sẽ trở về hình dáng cũ, kích thước bình thường, gây đau đớn ghê gớm cho người bị hại.
img
Khi bị “thư” thì không thuốc thang nào chữa nổi, chỉ có những ông đạo cao tay giải bùa mới mong tai qua nạn khỏi. Các cao niên còn kể lại rằng, người muốn luyện loại bùa chú này phải ăn những đồ dơ bẩn nhất như rác rưởi, đỉa, trùng đất… thậm chí là máu cục trong kinh nguyệt phụ nữ. Cũng giống chơi ngải, họ phải lựa giờ linh để đọc thần chú, kêu gọi những oan hồn khuất mày, khuất mặt nhập thân để có thể sai khiến được ma quỷ.

Anh Hùng rùng mình kể lại: “Tôi không biết mình đã làm gì sai mà tự nhiên bụng cứ trướng dần lên. Đi bác sĩ người ta nói là bệnh gan, nhưng thật ra không phải. Ai cũng bảo là tôi bị “thư”, bị yếm rồi. Người ta thương tình đưa tôi lên núi Sam cầu thầy Hai chữa trị. Thầy Hai giải bùa xong tự nhiên bụng tôi xẹp xuống, gia đình tôi mang ơn thầy Hai suốt đời. Lâu lâu ổng hay nhờ tôi mua giùm gạo với một số đồ cần thiết đem lên cho ổng”.

Không biết câu chuyện anh Hùng kể thực hư ra sao, nhưng chuyện thầy Hai luyện “võ bùa” thì dân xứ này ai cũng râm ran đồn đại. Sau một hồi thuyết phục, anh Hùng cũng chịu dẫn chúng tôi đến nơi thầy Hai đang tu đạo.

Cách Tây An cổ tự không xa là căn chòi lá của thầy Hai. Cũng như những ông đạo thường thấy ở miền Tây, thầy Hai tầm hơn 60 tuổi, búi tóc củ tỏi, mặc bà ba đen, dáng vẻ khoan thai, người phương phi hồng hào. Thầy Hai tỏ ra rất khó chịu khi anh Hùng dẫn người lạ mặt đến chỗ ở của thầy.

Chúng tôi phải quỳ rất lâu trước mái chòi tranh để vờ xin thầy Hai nhận làm đệ tử của môn võ “thần quyền”. Mãi đến khi trời bỗng đổ mưa thì thầy mới mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Thầy Hai gắt: “Mai mốt tôi chuyển chỗ thôi. Tôi không thích nhiều người biết nơi mình ở.

Trời đổ mưa, thôi cũng coi như là cái duyên. Tôi sẽ chỉ cho các anh cách tập luyện Thất Sơn thần quyền, về nhà tự học lấy, thành hay không là ở cái tâm của các anh. Còn tôi không nhận đệ tử”.

Nguyên tắc dị thường

Thầy Hai kể rằng, tổ sư của thần quyền là một cao tăng người Ấn Độ. Không biết vì lẽ gì mà lưu lạc đến Việt Nam rồi về vùng Thất Sơn ẩn náu. Tại đây ông đã được những người Khmer cưu mang và ông quyết định truyền “võ bùa” cho họ. Nhưng người Khmer vốn dĩ tự hào về khả năng “thư” của mình nên đã từ chối môn võ này. Sau, môn võ được truyền lại cho người Kinh, và ông Hai vốn may mắn được “chân truyền”.
Một võ sinh đang biểu diễn.
Một võ sinh đang biểu diễn.
Sau khi kể sơ về nguồn gốc, chúng tôi được làm lễ nhập môn. Thầy Hai bấm độn, và bảo chúng tôi đứng trước bàn thờ. Chúng tôi được chia mỗi người 3 cây nhang, nghiêm cẩn và lặp lại những lời thề theo lời ông Hai đọc. Có tất thảy 9 điều dành cho nhập môn, và càng lên cao thì số lời thề càng tăng lên, cao nhất là 16 điều. Một số lời thề của thầy Hai mà chúng tôi đã ghi lại được: Một lòng hiếu thảo với cha mẹ; Không phản môn phái; Không phản thầy; Không phản bạn; Coi bạn như anh em ruột thịt; Không cưỡng bức kẻ yếu; Không làm điều gian ác; Không ham mê tửu sắc; Không nản chí khi luyện tập; Không thoái lui lúc nguy hiểm; Luôn bảo vệ kẻ yếu; Ôn hòa trong tình bạn; Cứu người trong lúc nguy nan...

Sau khi thề và bái lạy trước bàn thờ xong, thầy Hai phát cho chúng tôi mỗi người hai lá bùa, gọi là bùa hộ thân, một vuông, một dài. Trên vẽ những hình ngoằn ngoèo giống như chữ của vùng Tây Á, và những biểu tượng không rõ hình thù. Sau khi niệm chú, thầy Hai lấy bùa đốt lên, rồi đem tro hòa với nước bắt chúng tôi uống cạn.

Thầy Hai bảo: “Trước khi tập thần quyền, phải khai thông các huyệt đạo trên cơ thể. Có như vậy thần chú mới ứng nghiệm”. Nói rồi thầy lấy 7 nén nhang, đốt lên rồi thổi khói vào các nơi gọi là tử huyệt, sinh huyệt. Vừa khai huyệt thầy vừa giảng giải: “Môn sinh nam thì 7 cây nhang, thổi khói 7 lần vào sinh huyệt, tử huyệt. Môn sinh nữ thì 9 cây nhang, thổi khói 9 lần”. Sau khi được “khai thông kinh mạch”, chúng tôi được nghỉ ngơi.

Trong khoảng thời gian này, chúng tôi được thầy Hai kể khá nhiều giai thoại ly kỳ về Thất Sơn thần quyền. Theo đó, thứ võ mà thầy Hai truyền cho chúng tôi là một chi của Thất Sơn thần quyền.

Thần quyền gồm quyền và thuật. Quyền được rèn luyện về thể lực chiêu thức như những môn võ khác, nhưng “thuật” thì rất ít ai biết và thầy Hai là một trong những truyền nhân còn sót lại nắm được “thuật” của Thất Sơn thần quyền.

Thầy Hai kể, ông nhặt được bí kíp chân truyền của Đạo Ngựa, cũng chính là tổ sư của môn Thất Sơn thần quyền. Sở dĩ gọi ông là Đạo Ngựa vì ông hay cưỡi ngựa lên núi tu tập, rồi lại dong ngựa xuống núi để thăm thú xóm làng. Một lần ông cưỡi ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo thì bắt gặp một đám lính Pháp đang dùng súng uy hiếp người dân. Ông lập tức nhảy xuống cứu người.

Tên lính lê dương nổ súng, Đạo Ngựa há miệng đớp lấy viên đạn mà không hề hấn gì, rồi nhả xác đạn ra trước mặt bọn lính khiến chúng thất kinh, vứt súng chạy tán loạn. Sau lần ấy, lính Pháp kéo đến vùng núi nơi ông tu tập để truy lùng ông, nhưng không được. Có người kể lại rằng, lão võ sư Hoàng Sơn, một môn đồ ưu tú của phái Thất Sơn thần quyền đã tìm được Đạo Ngựa và học được những tinh hoa của môn võ này.

Trở lại việc học “võ bùa”, thầy Hai cũng không ngần ngại truyền cho chúng tôi các loại chú như chú xin quyền, chú chữa thương, chú xin lực... Thầy Hai dặn, về nhà muốn xin gì cứ niệm chú để gọi về, nhưng phải tập luyện rất lâu cách gọi chú thì “võ bùa” mới ứng nghiệm. Và tuyệt nhiên không được để thân mình ô uế. Ví như không được chui xuống dây phơi quần áo, trước khi gọi bùa không được gần sắc dục, không được uống nước chung ly, và rất nhiều điều kiêng kỵ khác.

Về đến nhà, chúng tôi lập tức đọc theo thần chú thầy Hai đã cho, gọi bùa xin quyền, xin lực hộ thể… gọi mãi mà không thấy “ứng nghiệm” gì. Anh Ba Hùng, người đã dẫn chúng tôi gặp thầy Hai thì luôn miệng giải thích: “Chắc tại tụi bây vướng phải mấy điều kiêng kỵ thầy dặn rồi. Tao nói mà, “võ bùa” khó lắm”.

Sau chúng tôi có đi hỏi khắp vùng Thất Sơn, nhưng sự mầu nhiệm của “võ bùa” chỉ dừng lại ở những câu chuyện kể. Hoàn toàn chưa một ai chứng minh được sự huyền diệu của môn võ thần bí này.
An Ngọc (Dòng Đời) (An Ngọc (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem