Khám phá quân trang thời số hóa của bộ binh Nga

Thứ hai, ngày 15/07/2013 19:00 PM (GMT+7)
Hệ thống quan sát điện tử và thông tin tối tân, bộ quân trang Ratnik giúp lính bộ binh Nga phản ứng một cách nhanh nhạy và chính xác nhất với bất kỳ tình huống chiến trường nào.
Bình luận 0
Ba lô UMTBS Ataka trong bộ trang bị Ratnik
Ba lô UMTBS Ataka trong bộ trang bị Ratnik

Hệ thống quan sát điện tử

Trong tác chiến hiện đại, việc phát hiện, theo dõi mục tiêu ở khoảng cách xa mang ý nghĩa sống còn. Chính vì vậy, bộ trang bị Ratnik hỗ trợ cho người sử dụng những thiết bị trinh sát điện tử cực kỳ hiện đại.

Đối với những binh lính thông thường, họ được trang bị một kính nhìn đêm thế hệ mới PN-105, ngoài khả năng nhận dạng mục tiêu người ở khoảng cách hơn 200 mét trong điều kiện ban đêm, nó còn có thể truyền dữ liệu hình ảnh về cho chỉ huy nhóm.

img
Ống nhòm điện tử PDU-4 và màn hình thiết bị thông tin cá nhân RCCS trang bị trên bộ Ratnik

Tương tự, đối với lính bắn tỉa hoặc trinh sát, họ cũng được trang bị ống nhòm điện tử PDU-4 với khả năng hoạt động cả ngày và đêm với chế độ dò tìm hồng ngoại. Ngoài ra, với kính ngắm ảnh nhiệt Shakhin, người lính có thể kết nối kính và màn hình hiển thị gắn liền với mũ để có thể bắn mà không cần phải nhô ra khỏi vật cản.

Những hình ảnh thu được từ ống nhòm PDU-4 và kính ngắm Sakhin cũng có khả năng được truyền về cho người chỉ huy nhóm tác chiến.

Đối với tác chiến nhóm, bộ trang bị Ratnik còn hỗ trợ ít nhất hai thiết bị cực kỳ hữu dụng, đó là radar bộ binh 1L111M Fara-VR và UAV cá nhân Grusha. Trong điều kiện chiến trường, radar Fara-VR có khả năng phát hiện được các mục tiêu người ở khoảng cách tới 10 km, nhận diện vị trí từng mục tiêu riêng lẻ với độ chính xác 10 mét và có khả năng phân biệt bạn, thù.

img
Radar bộ binh Fara-VR
Đây là loại thiết bị cực kỳ hữu dụng để chống phục kích hay lên kế hoạch tấn công một vị trí của địch. Ngoài ra, radar Fara-VR cũng là thiết bị tuyệt vời khi kết hợp với các loại hỏa lực cộng đồng như súng trọng liên Kord, súng phóng lựu liên thanh AGS-30 hay pháo cối.

Tuy hữu dụng như vậy nhưng Fara-VR chỉ có khối lượng 12 kg (tính cả bộ nguồn cho phép nó làm việc liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường) – mức khối lượng vừa sức một người mang vác.

Để tăng hiệu quả trinh sát, người lính trang bị Ratnik cũng có thể sử dụng UAV cá nhân Grusha. Đây là loại UAV trinh sát có kích cỡ nhỏ với khối lượng chỉ khoảng 2 kg, tuy nhiên nó có khả năng hoạt động với bán kính trinh sát tới 10 km, với tốc độ tối đa 80 km/h và trong 75 phút liên tục.

UAV trang bị một camera có khả năng cung cấp hình ảnh thời gian thực cho chỉ huy nhóm chiến đấu với ống kính có thể thay nhanh trong điều kiện chiến trường tùy theo nhiệm vụ. Toàn bộ UAV và bộ điều khiển được đóng gói nhỏ gọn có khối lượng 11,5 kg và có thể mang vác bởi chỉ một người lính.

Binh sĩ Nga đang vận hành UAV trinh sát cá nhân Grusha
Binh sĩ Nga đang vận hành UAV trinh sát cá nhân Grusha

Hệ thống thông tin liên lạc

Ngoài những trang thiết bị tiêu chuẩn như bộ đàm và hệ thống định vị vệ tinh sử dụng mạng định vị GLONASS của Nga, thiết bị thông tin liên lạc trong bộ trang bị Ratnik đã tiến lên tầm cao mới. Mỗi người lính sẽ được trang bị một thiết bị liên lạc có màn hình cảm ứng tương tác.

Tất cả các thiết bị định vị vệ tinh, liên lạc được kết nối với máy tính xử lý thông tin gắn trên bộ trang phục tạo thành cụm thiết bị điện tử có tên RCCS (Reconnaissance, Command and Communication System – Hệ thống trinh sát, chỉ huy và thông tin liên lạc).

Với thiết bị này, người lính có thể truyền nhận cả tín hiệu dưới dạng tin nhắn, âm thanh cũng như hình ảnh trên chiến trường, trao đổi thông tin với chỉ huy đơn vị một cách hiệu quả trong khi chiến đấu.

Đối với chỉ huy nhóm chiến đấu, bộ trang bị còn có thêm một máy tính bảng cá nhân (CPC) với màn hình cảm ứng. Thiết bị này có màn hình rộng 11 cm, cân nặng 2,5 kg và kết nối với tất cả các thiết bị RCCS và vũ khí của binh sĩ dưới quyền.

img
Các mục tiêu bị radar Fara-VR phát hiện hiển thị trên màn hình
Với CPC, chỉ huy nhóm có thể biết được vị trí chính xác của từng người lính trong nhóm, số lượng đạn dược họ sử dụng và còn lại, tình trạng sức khỏe của từng người nhờ vào các cảm biến đo nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ cơ thể.

Hơn thế nữa, họ cũng có thể truy cập vào hình ảnh cung cấp từ kính ngắm điện tử trên vũ khí của binh sĩ và truyền dẫn hình ảnh mục tiêu quan trọng nếu chúng xuất hiện cho bất kỳ một cá nhân nào trong nhóm.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị trinh sát hiện đại và thông tin liên lạc này, nhóm chiến đấu trang bị Ratnik có thể phản ứng một cách nhanh nhạy và chính xác nhất với bất kỳ tình huống chiến trường nào.

Hệ thống túi và ba lô mang vác

Mỗi bộ áo giáp 6B43 hay áo khoác mang đạn chiến thuật 6Sh112 Mod 2 trang bị trong bộ Ratnik đều được trang bị mô đun gắn túi rời kiểu UMTBS cực kỳ dễ tùy biến và hữu dụng. Người lính có thể gắn các loại túi đựng băng đạn, lựu đạn, bộ RCCS, trang thiết bị khác vào vị trí mà họ cảm thấy dễ sử dụng nhất. Cũng vì lý do trên, họ dễ dàng bổ sung hay tháo bỏ các phụ kiện sao cho phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Những chiếc ba lô đi kèm bộ trang bị cũng được trang bị hệ thống gắn UMTBS nhằm tùy biến tùy theo dụng cụ mang theo và thời gian tác chiến. Đồng thời, chúng cũng được thiết kế theo đúng công thái học nhằm tiết kiệm sức mang vác tối đa cho những người sử dụng.

img
Lính Nga có thể được trang bị vũ khí chính là súng trường tấn công AK-74MR, AK-12, SVD-S...

Vũ khí

Trong tương lai, có nhiều khả năng những người lính Nga sẽ được trang bị vũ khí chính là súng trường tấn công AK-74MR, AK-12, SVD-S hay súng máy Pecheneg-M. Đặc điểm chung của những loại vũ khí này là chúng đã được thiết kế ray gắn phụ kiện tương tự theo kiểu Piccatinny của khối Âu – Mỹ.

Đây là một cải tiến rất hữu ích so với ray gắn phụ kiện nằm ngang thân súng kiểu cũ hay ray ốp kiểu vỏ sò. Loại ray mới cho phép tùy chỉnh vị trí thiết bị ngắm quang điện tử trên thân súng, giảm nhẹ khối lượng và không ảnh hưởng đến khả năng gập của báng súng (với những loại súng trường báng gập).

Đi kèm với những vũ khí này là hàng loạt các loại kính ngắm mới như kính ngắm hồng ngoại Shakhin có kênh dẫn hình lên màn hình phía trước mắt binh sĩ hoặc máy tính chỉ huy, kính ngắm đêm Saratsin có tầm ngắm tới 500 mét, kính ngắm điểm đỏ Krechet-M, Rakurs-M … giúp người lính lấy đường ngắm nhanh mà vẫn không mất khả năng quan sát xung quanh khi ngắm bắn.

Các thiết bị hỗ trợ sự sống khác

Cuối cùng không thể không kể đến là các thiết bị hỗ trợ sự sống khác trong bộ trang bị như các loại lều bạt siêu nhẹ T-10 với kích cỡ khi gấp gọn nằm gọn trong chiếc hòm có chiều dài hơn 1 mét và chiều ngang chưa đến nửa mét.

Loại lều T-10 này có thể triển khai trong 10 phút là thành một chiếc lều có khả năng chống gió, mưa, tuyết với đầy đủ thiết bị để duy trì cuộc suống cho 6-8 binh lính trong 3-7 ngày.

img
Thực phẩm chế biến sẵn sử dụng cho một ngày của lính bộ binh Nga hiện đại.
Các loại thực phẩm sử dụng cho binh sĩ cũng được tính toán kỹ lưỡng về các thành phần dinh dưỡng và khẩu vị. Họ có thể sử dụng loại bếp cồn khô có kích thước rất nhỏ, chỉ tương đương một hộp phấn trang điểm để làm nóng bữa ăn của mình.

Với trang bị cơ bản gồm súng trường tấn công và bộ thiết bị cho lính thông thường, Ratnik chỉ có khối lượng hơn 20 kg bao gồm cả vũ khí, nhẹ hơn rất nhiều so với đối thủ của nó ví dụ như FELIN của Pháp.

Nhìn chung, có thể nói Ratnik là một bộ trang bị hoàn hảo, là tất cả những gì một người lính có thể cần để chiến đấu và chiến thắng. Sau đợt thử nghiệm vào cuối năm nay, Ratnik sẽ sớm được đưa vào trang bị dần dần cho quân đội Nga. Có lẽ, trở ngại lớn nhất và gần như duy nhất sẽ là giá thành của nó, chắc chắn sẽ không hề rẻ.

>>Kỳ 1: Quân trang tối tân, lính Nga có thể thành siêu chiến binh?<<

>>Cận cảnh hệ thống quân trang siêu tối tân của Quân đội Nga<<

Minh Châu (Minh Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem