Tỷ phú Trần Đình Long "nhảy vào" lĩnh vực sản xuất container
Khan hiếm container rỗng, giá thuê tăng đột biến: Tỷ phú Trần Đình Long "nhảy vào" sản xuất container
Quang Dân
Thứ sáu, ngày 26/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ thông báo tuyển dụng hàng loạt nhân sự triển khai nhà máy sản xuất vỏ container với công suất 500.000 TEU/năm, địa điểm tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát cần tuyển 4 vị trí là kỹ sư cơ khí, hàn; kỹ sư điện, điện điều khiển; kỹ sư hóa; và kỹ thuật viên sơn. Mỗi vị trí cần tuyển 10 người. Ứng viên cần tốt nghiệp đại học các chuyên ngành cơ khí chế tạo, thi công kết cấu, hàn và công nghệ kim loại, sơn, kỹ thuật điện, kỹ thuật hóa học, … Ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở sản xuất, sửa chữa container.
Được biết, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đều là hai địa phương giáp biển và có nhiều cảng lớn như cảng Lạch Huyện, Tân Cảng Hải Phòng, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Đình Vũ, cảng Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép, …
Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp đang nhanh chóng tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu Quý II năm sau, Tập đoàn Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình. Quy mô sản xuất lớn như vậy nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ rất cạnh tranh.
"Sắt thép chiếm 55% giá thành sản xuất container, mà lại là loại thép SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết. Ở Việt Nam duy nhất Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất làm chủ được công nghệ sản xuất loại thép này với giá thành hợp lý, phát huy được thế mạnh của nhà sản xuất thép từ thượng nguồn", ông Tuấn cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, với công suất 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Như vậy có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Được biết, trong tháng 1 vừa qua, Hòa Phát cho ra lò 189.000 tấn HRC, tiêu thụ trên 252.000 tấn (do tồn kho từ các tháng trước cũng được mang ra bán), còn tồn kho cuối tháng 1 là gần 47.000 tấn. Cả năm 2021, Hòa Phát dự kiến sản xuất 2,7 triệu tấn HRC, cao gấp 4 lần năm ngoái.
Trước đó, theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng như thủy sản, cà phê, lương thực, nhựa, rau quả…, giá thuê container hiện đã tăng đột biến so với thời điểm trước tháng 12/2020. Cụ thể, tháng 1/2021, cước tàu đi EU đã tăng 145%-276% tùy theo cảng. Theo đó, nếu như tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container thì bước sang tháng sau đã tăng lên 7.000 USD/container. Thậm chí một số hãng tăng từ 2.800 USD lên 10.550 USD/container.
Nguyên nhân do thiếu vỏ container rỗng, trong khi số container tồn đọng tại các cảng lại lên đến hàng nghìn chiếc. Việc tăng giá cước vận tải khiến xuất khẩu gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao, thậm chí có đơn vị phải phá sản.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.
Container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều. Sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công. Do vậy, đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào sản xuất container.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.