Lào Cai gắn kết văn hóa truyền thống với du lịch cộng đồng

Hoàng Chiên Thứ tư, ngày 23/08/2023 10:23 AM (GMT+7)
Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói, giảm nghèo. Các mô hình triển khai được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế cho người dân và tôn vinh các giá trị văn hóa, ẩm thực bản địa.
Bình luận 0

Du lịch cộng đồng ở nông thôn

Đang chế biến vịt chuẩn bị bữa tối cho khách, ông Hoàng Văn Bóng, bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nói: "Tối nay nhà có đoàn khách đặt hai mâm cơm với món đặc sản là vịt bầu mang thương hiệu của xã, da trâu sào măng chua, cá trắm cỏ nướng hai lửa, họ ăn xong ngủ tại nhà sàn, mai đi khám phá bản Tày".

Vợ ông Bóng đang loay hoay trong bếp với món rau rừng cũng là đặc sản của địa phương. Bà nói: "Rau rớn hái ở ven suối về làm nộm chua trộn lạc khách phương xa đến rất thích ăn".

Hộ gia đình ông Bóng là một trong số 98% người dân tộc Tày sinh sống ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và cũng là một trong số hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa Đô tham gia làm du lịch cộng đồng.

Ở xã Nghĩa Đô có những bản làng toàn nhà sàn. Trước nhà là ao cá, hàng cau, sau nhà là đồi cây, rừng cọ.Giữa cánh đồng là những con suối, đường bê tông uốn lượn tạo nên một vùng quê yên bình, hiếm có ở nước ta.

Lào Cai gắn kết văn hóa truyền thống với du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Một góc bản du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Những năm gần đây du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại xã Nghĩa Đô, bởi nơi đây được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam đạt giải thưởng Homestay ASEAN.

Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: "Hiện nay có 17 hộ tham gia làm du lịch, nhiều hộ đã đăng ký nhưng gia đình nào đủ điều kiện mới được hoạt động, tính từ đầu năm đến nay có khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan, lưu trúgóp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương".

Năm 2022, lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 4,4 triệu lượt, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 15,130 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của du lịch cộng đồng đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu chung của du lịch tỉnh Lào Cai. Tính trung bình, các điểm du lịch cộng đồng đón trên 1 triệu lượt khách/năm (trong đó khách lưu trú chiếm 10%) chiếm gần 1/5 tổng lượng khách du lịch của tỉnh Lào Cai.

6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt 3.782.577 lượt khách (trong đó khách quốc tế đón 237.139 lượt, khách nội địa đón 3.545.439 lượt), bằng 63% kế hoạch, tăng 128,8% so cùng kỳ 2022 (1.629.985 lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 10,813 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch (20,500 tỷ đồng), tăng 87% so với cùng kỳ 2022 (5,697 tỷ đồng).

"Xã Nghĩa Đô có 1.182 hộ dân với 5.600 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh xuống còn 11% (63 hộ). Thu nhập bình quân đầu người từ 18,1 triệu năm 2016 đến năm 2023 là 51 triệu đồng/người" - ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô nói.

Được biết, thời gian tới Nghĩa Đô tiếp tục được quan tâm, đầu tư, xây dựng và phát triển thêm những sản phẩm du lịch mới, độc đáo như: khám phá thiên nhiên, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề; khám phá nhà sàn truyền thống; không gian văn hóa chợ đêm…

Huyện Bảo Yên kỳ vọng và tin tưởng trong tương lai không xa Nghĩa Đô sẽ trở thành nơi bảo tồn, lưu giữ hệ sinh thái văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc, thành một vùng quê đáng sống, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Lào Cai nói riêng vàcủa cả khu vực Tây Bắc nói chung. 

Du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa Đô chỉ là một trong số hàng chục điểm du lịch của tỉnh Lào Cai. Đến nay, Lào Cai đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của khách du lịch. Thống kê cho thấy, Lào Cai hiện có trên 20 tuyến điểm du lịch cộng đồng tại: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên…

Đặc biệt, sau khi Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) mở cửa hoàn toàn, thị trường khách du lịch Trung Quốc sang du lịch có tín hiệu khởi sắc trở lại.

Với đặc điểm khí hậu, đất đai thuận lợi cho việc phát triển một số loại con, cây ăn quả ôn đới, dược liệu, những năm qua Lào Cai đã từng bước hình thành các mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn được du khách ưa thích như: Lễ hội mận Bắc Hà, Lễ hội lê Tai nung, Lễ hội quýt Mường Khương,… thu hút đông đảo du khách tới tham gia.

Để du lịch cộng đồng nông thôn phát triển, tỉnh Lào Cai cũng đã tập trung phát triển các sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn OCOP, đầu tư đóng gói, thiết kế tinh tế nhằm thỏa mãn nhu cầu mua dùng, biếu tặng của khách du lịch khi đến với Lào Cai. Đến nay đã có 142 sản phẩm nông sản OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên như: gạo Séng Cù, tương ớt, chuối ngự, chè, cá hồi, tinh dầu…

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 400 cơ sở lưu trú tại gia (homestay), điểm du lịch cộng đồng được công nhận.

Nhiều chính sách cho phát triển du lịch cộng đồng

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Đề án số 3- ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy "Phát triển văn hóa, du lịch giai đoạn 2020 - 2025"; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/9/2020 của UBND tỉnh phát triển sản phẩm du lịch Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Bà Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai từng chia sẻ với Báo NTNN rằng: "Thời gian tới Lào Cai tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh; hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ tư vấn để triển khai các dự án phát triển du lịch một cách khoa học, đồng bộ.

Đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch… triển khai thực hiện khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch chính của Lào Cai.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm".

Trung bình mỗi năm du lịch cộng đồng ở Lào Cai thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, chiếm 35% đến 40% tổng lượng khách du lịch của toàn tỉnh.

Được biết, việc mở rộng hoạt động du lịch đến các bản làng đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương (thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/năm, có những hộ gia đình doanh thu từ 150 - 200 triệu/năm; tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 9.000 lao động trên địa bàn).

Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi, phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc với các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc...; ẩm thực: thắng cố, xôi bảy màu, lạp sườn, tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc...; các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống…

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cho biết: "Tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để có nhận thức đúng về du lịch nông thôn. Chú trọng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với chính sách phát triển nông thôn mới. Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn".

Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư các điểm du lịch nông thôn gắn với cảnh quan, đặc trưng văn hoá nhằm tạo sự khác biệt, nâng cao sức cạnh canh, tạo thương hiệu thu hút khách du lịch.

Phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống theo nhãn hiệu OCOP. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại địa phương, thân thiện với môi trường… Tiếp tục duy trì các mô hình du lịch cộng đồng được du khách ưa thích tại địa bàn các huyện, thị xã Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai…

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số gắn kết người nông dân với thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận, lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch theo nhu cầu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem