Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) lâu nay được xem là một huyện mà người dân có nguồn thu nhập đáng kể từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống. Có được kết quả trên, nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vạn Ninh.
Vốn ưu đãi về với làng nghề
Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vạn Ninh cho biết, ngân hàng đang thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong số các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH có chương trình đang cho vay tạo việc làm, nhất là tại các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, nhiều làng nghề, trong đó có nghề làm trầm hương thơm nức tiếng của tỉnh Khánh Hòa đã hồi sinh.
Các làng nghề truyền thống được tiếp vốn ưu đãi đã và đang tạo công ăn việc làm cho các lao động vùng nông thôn có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Làng nghề làm trầm thơm nức tiếng tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang giúp cho nhiều hộ thoát nghèo
Ngân hàng CSXH đã giải ngân chương trình tín dụng hỗ trợ nguồn vốn cho làng gốm Trung Dõng (xã Vạn Bình); nghề đan dệt lưới (xã Đại Lãnh); làng lưới đăng Khải Lương; làng nghề làm bánh kẹo, đậu phụng (xã Vạn Long), trầm hương mỹ nghệ, chả cá (xã Vạn Thắng),….Làng lưới đăng Khải Lương một trong những làng lưới đăng đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lan thuộc (Lộc Thọ, xã Vạn Long) là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH cho biết, ngày trước nghề làm kẹo chật vật lắm, làm chủ yếu bằng các công đoạn thủ công nên cung cấp không được nhiều, sản phẩm xuất manh mún nhỏ lẻ.
“Để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, tôi đã mạnh dạn vận động các thành viên tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất kẹo dừa, kẹo đậu phụng với 10 thành viên. Khi tham gia tổ hợp tác sản xuất, chúng tôi cùng các thành viên thông qua Hội Phụ nữ xã đã vay được với số tiền 150 triệu đồng/10 hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất…”- bà Lan nói
Theo bà Lan, số tiền vay vốn cộng thêm số tiền tích góp nhiều năm qua bà đã đầu tư mua sắm máy móc và nguyên vật liệu sản xuất. Đồng thời, bà hướng dẫn người dân xung quanh sản xuất theo dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên hiệu quả đem lại khá cao.
Sản phẩm trầm đang cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước
Đến nay, sản phẩm bánh kẹo của gia đình bà Lan đã được nhiều người trong cả nước biết đến và cung cấp ra các tỉnh thành như: TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Khánh Hòa… Hiện cơ sở của bà Lan tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động của địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lan cười khoe, đồng vốn đã phần nào tiếp thêm sức mạnh cho làng nghề nơi đây, nhờ đó mà mua được chiếc máy nướng bánh loại “xịn”, chiếc máy thay thế cho 3 lao động và tiết kiệm được gần 20 triệu đồng/tháng. Nếu không có của vốn của ngân hàng chắc mỗi tháng nai lưng ra trả hàng chục triệu đồng tiền công lao động…
Hồi sinh làng nghề trầm hương nổi tiếng
Có thể thấy rằng, hiệu quả của tín dụng chính sách mang lại cho nhiều bà con nông dân huyện Vạn Ninh đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no và sắm sửa nhiều trang thiết bị trong gia đình.
Và trong hành trình hồi sinh, phát triển của các làng nghề truyền thống, Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Vạn Ninh đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết bài toán thiếu vốn cho người dân làng nghề của các địa phương.
Sản phẩm trầm nổi tiếng của huyện Vạn Ninh và hiện nay làng nghề này đang thật sự hồi sinh
Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Trong hơn 15 năm xây dựng, phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cùng với nguồn lực của địa phương giúp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ nhân dân, các địa phương vực dậy và phát triển các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề làm trầm hương nổi tiếng của đất Khánh Hòa từ xưa.
Theo ông Nguyễn Thành Long, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Vạn Ninh đạt trên 365,5 tỷ đồng. Trong số này, dư nợ cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015 đạt trên 46,7 tỷ đồng với 1.603 lao động. Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang tiếp tục triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi cho sản xuất, vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch, giải quyết việc làm, phát triển làng nghề truyền thống,…
Làng nghề làm bánh kẹo xã Vạn Long đang tạo việc làm cho các lao động vùng nông thôn
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp hộ vay biết cách làm ăn, sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, hoàn trả gốc và lãi theo quy định. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, tránh phải tiếp cận tín dụng đen, phi chính thức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.