Khảo sát lương công nhân 2015: Chật vật xoay sở mới đủ sống

Minh Nguyệt - Hồng Vân Thứ sáu, ngày 14/08/2015 06:51 AM (GMT+7)
Ngày 13.8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức công bố kết quả khảo sát tiền lương công nhân năm 2015 tại 60 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh, thành phố ở 4 vùng kinh tế khác nhau. Với mức lương trung bình 3,8 triệu đồng/tháng, người lao động (NLĐ) đang chật vật xoay xở mới tạm đủ chi trả mức sống tối thiểu.
Bình luận 0

Chật vật sinh sống

Nhiều năm qua các gia đình công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) phải sống trong những phòng trọ 20m2, bao gồm cả không gian sinh hoạt của gia đình, nhà vệ sinh, bếp, dây phơi quần áo… Cuộc sống cứ tiếp diễn năm này qua năm khác.

img

Công nhân miễn cưỡng chấp nhận cuộc sống trong các khu nhà trọ chật chội (Khu nhà trọ đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Đ.D

Chị Nguyễn Thị Hà (quê Phú Thọ) là công nhân Công ty Hoya, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Chị chỉ dám thuê nhà trọ hơn 10m2, mái tôn nóng nực. Vì hoàn cảnh khó khăn, chị không dám mang con nhỏ về sống cùng, đành gửi ông bà. Chồng chị cũng vào Nam kiếm sống, một nhà 3 nơi. Bố mẹ khó khăn nên mỗi tháng chị cố để dành 2 triệu đồng gửi về. Số tiền còn lại trừ tiền nhà, điện nước, chị chỉ còn 500.000-600.000 đồng để chi tiêu. Chị ăn uống rất tằn tiện, kham khổ. “Sống cực không buồn phiền bằng việc xa chồng, xa con” - chị Hà chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (quê Thanh Hóa) đều làm việc ở Công ty TNHH ToTo (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long). Vợ chồng anh và 2 đứa con cũng sống chui rúc trong căn nhà trọ 15m2. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng nhưng riêng tiền gửi trẻ, tiền học, tiền sữa của con đã chiếm quá nửa, chưa kể tiền nhà 2 triệu đồng/tháng. “Tiếng là thoát ly trên thành phố mà ăn uống còn kham khổ hơn nông dân” – anh Hùng cười méo xẹo.

Đồng cảnh ngộ, hàng triệu công nhân trên cả nước đang phải chịu cảnh sống vất vả, khổ cực. Tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP.Thanh Hóa) dù có hơn nửa số công nhân (khoảng 2 triệu NLĐ) là người địa phương nhưng cuộc sống vẫn không bớt kham khổ. Chị Nguyễn Thị Na (Hoằng Vinh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tâm sự: “Ngày làm 8 tiếng cộng với 1 tiếng tăng ca là 9 tiếng, công việc lại rất vất vả khiến như kiệt sức. Có đợt công ty tăng ca, đổi kíp, phải đi làm từ 8 giờ tối tới 5 giờ sáng mới được về, ốm mà khộng dám nghỉ phép. Đơn giản vì tiền không có, nghỉ thì bị trừ lương, không tăng ca thì lương thấp lấy gì mà nuôi con”. Chồng mất sớm, một mình phải gánh vác cả gia đình, với đồng lương ít ỏi, khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, chị chỉ đủ chi trả khoản tiền ăn, tiền trả nợ ngân hàng (vay sửa nhà) và đóng tiền học cho con. Con ốm còn khám, mua thuốc chứ mẹ ốm đành cố gắng chịu đựng vì không có tiền.

Thu 1 tiêu 2

Kết quả khảo sát cho thấy, NLĐ có mức lương trung bình 3,8 triệu đồng/tháng. Chỉ có gần 15% NLĐ được hỏi hài lòng về mức lương này, 51,2% tạm hài lòng và 34% không hài lòng. Mức độ hài lòng về lương của NLĐ ở thành phố chỉ đạt 6,7% (vùng 1) thấp hơn nhiều so với vùng nông thôn (vùng 2, vùng 3) đạt mức tương đương là 17,1% và 20,6%. Còn vùng 4 mức hài lòng cũng chỉ đạt 10,6%. 

"Tôi cho rằng, Chính phủ cần đưa ra lộ trình cụ thể tăng lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu. Không thể lúc trước thì nói năm 2015 lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ, giờ lại nói lùi sang năm 2017”. 

Ông Lê Trọng Sang

Tuy tỷ lệ NLĐ hài lòng và tạm hài lòng về mức lương khá cao (66%) nhưng NLĐ lại đang “hụt hơi” để co kéo giữa lương và nhu cầu cuộc sống. Khảo sát cho thấy, mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con) hiện nay là 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Tiền chi tiêu dao động giữa vùng 1 và vùng 4 là 1,4 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty THHH ToTo Việt Nam cho biết, với mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng, NLĐ không đảm bảo đủ mức sống tối thiểu được. Khảo sát lương và mức sống tối thiểu của NLĐ ở Công ty ToTo cho thấy: Tổng chi tiêu tháng của NLĐ độc thân, ở trọ là 4,1 - 4,6 triệu đồng/tháng. Đối với cặp vợ chồng chưa con hoặc đã có con, thì mức chi tiêu trong tháng tăng lên rất cao, dao động khoảng 5,4 - 5,5 triệu đồng/tháng.

“Để đáp ứng mức sống tối thiểu thì tiền lương vẫn thiếu từ 1-2 triệu đồng/tháng. Do đó, bắt buộc NLĐ phải tăng ca hoặc tìm việc làm ngoài giờ. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ, đặc biệt khi có người thân bị ốm” – bà Hải nói.

Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, NLĐ trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rất mong mỏi tăng lương, bởi hiện nay lương mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% mức sống tối thiểu của NLĐ. Trung bình tiền lương của NLĐ ở đây đạt 3,4 - 3,8 triệu đồng/người. Năm 2015 đã có  tới 40 cuộc đình công, tranh chấp lao động do lương thấp.

Ông Lê Trọng Sang - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang không sòng phẳng với NLĐ bởi họ cùng lúc duy trì hai bảng lương. Một bảng lương thực nhận, một bảng lương cơ bản để đóng Bảo hiểm xã hội.

Lương cơ bản thấp, nhiều khoản phụ cấp không rõ ràng kèm theo là cơ hội để doanh nghiệp có thể cắt giảm, lấy khoản nọ bù khoản kia.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, kết quả từ cuộc khảo sát này sẽ được gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia để trình Chính phủ xem xét quyết định ban hành mức lương tối thiểu vùng năm 2016 vào tháng 9 tới đây. Với khảo sát này, đại diện NLĐ hy vọng lương tối thiểu vùng phải tăng 16,5% mới cải thiện được cuộc sống cho NLĐ. 

62% công nhân phải làm thêm

Kết quả khảo sát tiền lương công nhân năm 2015 cho thấy, mặc dù mức tăng lương tối thiểu năm 2015 đạt 14,3% so với năm 2014, nhưng thực tế tỷ lệ tiền lương thực của NLĐ chỉ tăng khoảng 12%. Trung bình tiền lương của NLĐ trong cả nước đạt 3,8 triệu đồng/tháng. Tăng đều và nhiều nhất thuộc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mức 250.000 – 400.000 đồng/tháng. Đối với các DN vừa và nhỏ, tỷ lệ NLĐ được điều chỉnh lương không nhiều, mức tăng cũng thấp hơn. Các DN tư nhân, hộ gia đình rất khó kiểm soát việc tăng lương của NLĐ vì nhiều DN không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Các cơ quan chức năng không kiểm soát được số NLĐ, không rõ lương của họ là bao nhiêu. Theo khảo sát, mức lương cao nhất thuộc về khối DN nhà nước, tiếp sau đó là DN cổ phần hóa, và DN FDI, thấp nhất là các DN dân doanh khác.

Ông Đặng Quang Hợp (Viện Công nhân công đoàn) cho biết: “Với mức tăng 14,3% (từ 250.000- 400.000 đồng) hiện vẫn chưa như mong đợi của NLĐ. Theo khảo sát, hiện nay, tiền  lương mới đáp ứng được từ 75-83% mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, việc tăng lương thường kỳ cũng đã giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời cần phải kiểm soát các DN đóng đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ.  

Với mức lương trung bình 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ có gần 15% NLĐ được hỏi hài lòng, 51,2% tạm hài lòng và 34% không hài lòng. Mức độ hài lòng về lương của NLĐ ở thành phố chỉ đạt 6,7% (vùng 1) thấp hơn nhiều so với vùng nông thôn (vùng 2, vùng 3) đạt mức tương đương là 17,1% và 20,6%. Còn vùng IV mức hài lòng cũng chỉ đạt 10,6%. 

Đặc biệt, 62% NLĐ được hỏi trả lời họ có làm thêm giờ để trang trải thêm cho cuộc sống. Mức làm thêm trung bình từ 33,4-90 giờ/tháng/người (cho thu nhập từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng).

Nguyệt Tạ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem