Tăng lương cao gấp gần 5 lần tăng năng suất lao động
Theo điều tra về tiền lương năm 2013, lao động (LĐ) trong ngành nông, lâm, thủy sản có mức lương thấp nhất (đạt 2,63 triệu đồng/tháng), chưa bằng 1/3 lương khối ngành tài chính, bảo hiểm (7,23 triệu đồng/tháng).
Lao động Việt Nam đang có mức lương thấp gần nhất trong khu vực (ảnh minh hoạ). Ảnh: M.N
Với LĐ ngành may, chị Nguyễn Diệu Nga, công nhân may tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, trong vòng 2 năm qua, lương của chị đạt khoảng từ 4,3-4,5 triệu đồng/tháng; bằng với mức lương trung bình mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam điều tra trong khối LĐ ngành này.
Đây đã là mức lương được điều chỉnh tăng tới 8 lần theo lộ trình tiền lương trong vòng 10 năm qua cộng với các phụ cấp. Nhiều chuyên gia LĐ tiền lương độc lập đánh giá, tốc độ tăng lương tối thiểu trung bình hàng năm của Việt Nam đạt 15%.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là mức tăng năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia chỉ đạt khoảng 3,5% (cách tính NSLĐ bằng tổng GDP chia cho tổng số LĐ). Như vậy, mức tăng lương cao gấp gần 5 lần mức tăng NSLĐ. Tại hội thảo nói trên, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, về nguyên lý, tiền lương sẽ phải tăng thấp hơn tăng NSLĐ, nhưng hiện nay thì ở Việt Nam lại ngược lại. “Bàn tiền lương thì dù có muốn hay không muốn vẫn phải bàn tới vấn đề NSLĐ. Ở cấp quốc gia chúng ta cũng phải suy nghĩ vì sao LĐ Việt Nam chăm chỉ, thông minh nhưng NSLĐ quốc gia vẫn thấp. NSLĐ thấp nên nguồn lực để tăng lương không có, vì vậy việc tăng lương cũng cần phải có lộ trình phù hợp”.
Cũng theo ông Huân, thời gian tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng sẽ thành lập một đơn vị tư vấn về chính sách tăng NSLĐ quốc gia nằm trong hội đồng để có thể tính toán mức tăng lương dựa trên NSLĐ.
Cần tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận rõ về NSLĐ để tránh những nhận xét phiến diện về LĐ Việt Nam. “Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng, NSLĐ cá nhân với NSLĐ quốc gia. NSLĐ quốc gia được tính trên chỉ số GDP chia cho tổng LĐ. NSLĐ cá nhân được tính dựa trên số sản phẩm/công việc mà LĐ đó hoàn thành. Như vậy, cần đánh giá đúng NSLĐ của từng khối để tính tiền lương hợp lý chứ không cào bằng theo kiểu người làm chăm chỉ, có NSLĐ cao cũng phải chịu mức lương thấp như những người lười”- ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển quan hệ LĐ (Bộ LĐTBXH) nói.
Ông Tống Văn Lai – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTBXH) khẳng định, tiền lương khu vực DN hiện nay đã đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu. Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là người LĐ phải lấy tiền ở đâu để bù đắp 20% chi phí tối thiểu cho cuộc sống? Trả lời về vấn đề này, ông Lai cho rằng: “Tiền lương thấp, người LĐ phải tăng ca, chắt bóp chi tiêu, không dám ăn uống, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, điều đó rất nguy hiểm”.
Nhìn từ góc độ LĐ, ông Đặng Quang Điều – Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cho rằng: “Hiện nay các DN thường vin vào NSLĐ của Việt Nam thấp nên kêu khó khăn khi tăng lương. Đành rằng tăng lương phải đi đôi với tăng NSLĐ, nhưng phải phân biệt rõ tiền lương và tiền lương tối thiểu. Chừng nào lương đáp ứng được mức sống tối thiểu của người LĐ thì chừng đó mới nói đến chuyện tăng NSLĐ được. Đủ ăn đủ mặc, đủ kiến thức thì họ mới đi làm được”.
Nhìn nhận một cách tích cực, ông Philip Hazelton - cố vấn trưởng, Dự án QHLĐ ILO Việt Nam cũng đồng ý với ý kiến trên bởi: “Cần có lộ trình tăng lương bên cạnh việc thúc đẩy tăng NSLĐ và người LĐ cần được đàm phán về tiền lương của mình trên cơ sở NSLĐ”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.