Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Quốc gia "Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và thách thức" diễn ra sáng nay tại TP.HCM.
GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay, mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số, nhưng vùng Đông Nam Bộ (gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) lại góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước.
"Dữ liệu năm 2021 cho thấy, vùng Đông Nam Bộ đang đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 45% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đầu tư cho vùng này hiện chưa thực sự tương xứng", ông Thành nói.
Theo GS.TS Sử Đình Thành, với vị trí chiến lược, vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông và cảng biển như Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (đang xây dựng); hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng tàu, Đồng Nai, TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Thành, vùng hiện đang đối diện với hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối, từ đó chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như TP.HCM cùng với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư nên phải đối diện với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.
"Theo quy hoạch, đến 2030, vùng có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch. Nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng", ông Thành dẫn chứng.
Đồng quan điểm GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, cũng nhận định, Đông Nam Bộ là vùng có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại, tồn tại nhiều điểm nghẽn.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hoài cho hay, tỷ lệ lao động có kỹ năng của vùng Đông Nam Bộ chỉ xấp xỉ bằng mức trung bình cả nước. Tỷ lệ chi R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển) trên GRDP ở mức rất thấp. Các vấn đề mang tính quản trị vùng chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả.
Đặc biệt, vùng đóng góp vào thu ngân sách chung của cả nước với tỷ trọng rất cao nhưng tỷ lệ thu và chi ngân sách của vùng so với chi ngân sách cả nước có cách biệt lớn.
"Nguyên nhân cơ bản là Hội đồng Vùng hoạt động theo cơ chế luân phiên, mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian TP.HCM là Chủ tịch hội đồng Vùng nhưng tính pháp lý chưa đủ mạnh do nguồn lực đầu tư công cho vùng vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn lực đầu tư công riêng lẻ của từng địa phương theo tỷ lệ ngân sách để lại hàng năm", ông Hoài phân tích.
Chính vì ngân sách phân bổ chưa tương xứng khiến mức chi đầu tư của vùng cũng hạn chế. Dẫn chứng, ông Hoài cho hay, chỉ riêng tại TP.HCM, hệ thống vành đai 1 còn 10% phải hoàn thiện và quá tải, hệ thống vành đai 2 chưa khép kín do còn 6km chưa triển khai, hệ thống vành đai 3 dài 90km chưa triển khai, và hệ thống vành đai 4 dài 196km đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai hoàn toàn.
"Mặc dù đi đầu cả nước trong thu hút FDI nhưng quy mô trung bình/dự án FDI ở vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,42 triệu USD…", GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, thông tin thêm.
NGND.GS.TS Võ Thanh Thu (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cũng nhận định: "Đông Nam Bộ không chỉ là vùng kinh tế lớn nhất nước, mà còn là trung tâm khoa học - công nghệ lớn thứ hai ở Việt Nam".
"Chi phí logistics của Việt Nam nói chung và vùng nói riêng kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Cụ thể, chi phí logistics Việt Nam chiếm 16,8% tổng giá trị hàng hóa, còn mức trung bình thế giới là 10% trong năm 2021", GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, thông tin.
Tuy nhiên, theo bà Thu, có tới 8 nguyên nhân về mặt vĩ mô khiến vùng Đông Nam Bộ chưa phát triển tương xứng, như: Chưa có quyết sách mang tính đột phá về phát triển KHCN; chưa có chính sách khuyến khích các công ty công nghệ cao mang tính hấp dẫn đến vùng ĐNB thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển…
"Tóm lại, vùng ĐNB chưa có cơ chế chính sách và đầu tư mang tính đột phá cho phát triển khoa học công nghệ", bà Thu nói.
Ngoài ra, cũng có tới 6 nguyên nhân yếu kém đến từ phía các doanh nghiệp. "Theo quy định, DN có thể chi từ 3 – 10% thu nhập trước thuế để lập Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ, nhưng trên thực tế, số lượng DN trích lập quỹ nói trên trên ít ỏi, chi phí chỉ khoảng 0,2- 0,3% doanh thu", NGND.GS.TS Võ Thanh Thu, dẫn chứng
Chưa kể, DN cũng chưa thực sự quan tâm đến đổi mới công nghệ.
"Theo báo cáo của Sở KHCN TP.HCM, 60% -70% DN hoạt động tại các KCX-KCN TP.HCM có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu", bà Thu nói thêm.
Để tháo gỡ các "điểm nghẽn" cho vùng Đông Nam Bộ, theo NGND.GS.TS Võ Thanh Thu, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ động đề xuất xây dựng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ toàn vùng.
Đồng thời, cần đánh giá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, tài chính... Xây dựng chiến lược thu hút nhà đầu tư có công nghệ. Xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu với các trường đại học có năng lực, có uy tín cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.
"Việc hoàn thiện cơ chế chính sách lương để thu hút nhân tài. Đổi mới cơ chế chính sách về thuế, tín dụng và chế độ tài chính để khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động R&D, sáng tạo công nghệ… là những việc cần phải làm ngay và luôn", bà Thu đề xuất.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, thì đề xuất, Hội đồng Vùng phải có thể chế vượt trội.
"Hội đồng Vùng phải có cơ chế thực quyền để thu hút và quản trị các nguồn lực đầu tư (công và tư) giải quyết vấn đề liên quan đến phát triển bền vững vùng. Đặc biệt, phải sớm hoàn thành quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sớm nhất để xác định các dự án trọng tâm và trọng điểm liên kết nội vùng và ngoại vùng.
Ngoài ra, Hội đồng Vùng phải được đưa ra các quyết nghị liên quan đến các vấn đề phát triển bền vững thuộc vùng, cho dù là các dự án quốc gia hay dự án địa phương nhưng có ảnh hưởng đến vùng", ông Hoài kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.