Với tỷ lệ tới 70% lao động chưa qua đào tạo, đây là rào cản lớn khiến Việt Nam khó tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0. Hiện đại hóa năng suất lao động là lẽ tất yếu, đòi hỏi sự chuyên môn hóa của thiết bị tự động. Máy móc càng gọn nhẹ, linh động, chính xác, càng cần bàn tay của lao động tri thức có trình độ cao để vận hành.
“Khát” nhân lực trình độ cao
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết: ”Xu hướng việc làm năm 2017 là cần nhiều nhân lực hơn. Tuy nhiên, đây phải là nhân lực làm việc thật sự, không mất nhiều thời gian đào tạo lại chứ không liên quan nhiều đến bằng cấp.”
Cũng theo ông Cường, những ngành như hàn, cơ khí, công nghệ thông tin, điện - điện tử,… đang rất “khát” nhân lực. Theo đó, sinh viên nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật không lo thiếu việc làm bởi hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực nhóm ngành này chiếm tỉ trọng cao nhất (khoảng 35%).
Tuy nhu cầu nhân lực lớn, nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật có một số yêu cầu “khắt khe” về tố chất nhất định cho người học như: tính tự lập, tư duy thực tế, khả năng điều khiển máy móc, làm tốt các công việc thủ công, chủ động cập nhật, nắm bắt các công nghệ, hệ thống máy móc trên thế giới.Để đáp ứng được những tiêu chí này sự nỗ lực của riêng sinh viên là chưa đủ mà đòi hỏi cần có sự quan tâm và tạo điều kiện từ nhà trường và doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ môi trường thực tập, các chương trình đào tạo và huấn luyện bài bản, học đi đôi với hành.
Chủ động nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0
Trong bối cảnh thế giới phẳng” từ các nền tảng công nghệ, sáng tạo “lên ngôi”, trở thành lợi thế cạnh tranh độc nhất, giúp người lao động thích ứng với sự chuyển đổi “chóng mặt” của công cụ lao động.
Chia sẻ tại diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Con người Việt Nam nhanh nhạy, thông minh, sẵn sàng nắm bắt kiến thức mới. Chính vì vậy, tôi tin rằng con người Việt Nam chắc chắn có thể đáp ứng được một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sử dụng sự sáng tạo của con người.”
Trước hết, người trẻ cần được khuyến khích “động não”, sáng tạo liên tục thông qua các hoạt động sáng tạo cộng đồng. Điển hình câu lạc bộ nghề cho sinh viên Khoa Điện – Điện Tử, Trường đại học Bình Dương được tổ chức sinh hoạt định kì tại Phòng Thực tập Điện tử, tạo môi trường trao đổi kiến thức và kinh nghiệm sáng tạo về lĩnh vực theo học.
Bên cạnh đó, tiếp cận sớm với các thiết bị tiên tiến mới nhất giúp người lao động nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ diễn ra trên thế giới, kích thích sáng tạo bắt kịp thời đại mà không lỗi thời.
TS. Cao Việt Hiếu, Phó Hiệu trưởng thường trực BDU cho biết: “Phòng thực tập Điện tử là cơ hội để nâng cấp các nội dung thí nghiệm, thực tập liên quan đến mảng điện tử, đồng thời cập nhật các các công nghệ mới nhất của Asanzo trong sản xuất điện tử, tạo điều kiện giúp sinh viên dễ dàng trải nghiệm, thực tập và sữa chữa, dưới sự hướng dẫn của giảng viên chuyên môn và đội ngũ nhân viên kinh nghiệm của Asanzo.”
Bên cạnh đó, với mô hình “thực tập tại chỗ”, sinh viên có cơ hội sáng tạo các sản phẩm nghề, làm các dịch vụ khởi nghiệp, hợp tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu về vi mạch với các công ty trong nước, hợp tác quốc tế.
Đầu tư cho nhân lực trình độ cao không phải là con đường “thẳng”, nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự chia sẻ trách nhiệm của DN và nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ từ sớm. Nếu làm được điều đó, viễn cảnh Việt Nam tự tin hội nhập kinh tế thế giới bằng nguồn nhân lực trình độ cao sẽ không còn xa.
Vừa qua, 11 suất học bổng có giá trị 5 triệu đồng mỗi suất do Tập đoàn điện tử Asanzo tài trợ đã được trao cho các SV có hoàn cảnh đặc biệt nhưng đạt thành tích xuất sắc thuộc khoa Điện - Điện tử trường đại học Bình Dương (BDU) nhân dịp khai giảng năm học mới 2017-2018.
Tổng trị giá học bổng lên tới 4 tỷ đồng, trong đó 3 tỉ đồng tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho các em SV, 1 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư cho “Phòng thực tập điện tử”.
Đây là mô hình gắn kết giữa DN và nhà trường nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục dựa trên 4 chữ Học – Hỏi – Hiểu – Hành của Trường Đại học Bình Dương đề cao việc gắn liền lý thuyết với thực tiễn trong trường học
Trên cơ sở đó, nhà trường hiện thực hóa mục tiêu giảng dạy, đào tạo, huấn luyện sinh viên trở thành người lao động trình độ cao, cả về chuyên môn và kĩ năng làm việc thực tế, hòa nhập xu hướng nhân lực trình độ cao.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.