"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như gạch cua

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 10/08/2023 10:25 AM (GMT+7)
Cách Trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 20km, nhưng hàng nghìn hộ dân ở xã Thống Nhất, (huyện Thường Tín) vẫn "khát" nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Bình luận 0

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua"

Bức xúc trước việc phải dùng nước giếng khoan đục và bẩn, gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Nhiều hộ dân ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) đã phải lên tiếng "sống ngay Thủ đô Hà Nội mà thiếu nước sạch để dùng".

Khảo sát của phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại địa bàn xã Thống Nhất của huyện Thường Tín cho thấy, việc người dân địa phương chưa có nước sạch để phục vụ sinh hoạt là đúng.

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua" - Ảnh 2.

Một bể lọc nước giếng khoan của người dân xã Thống Nhất (huyện Thường Tín).

Ông Trần Văn Nghĩa ở (thôn Hoàng Xá) bảy tỏ: "Nhà nào có điều kiện, xây được bể lớn chứa nước mưa thì đỡ, còn lại thì rất thiếu thốn về nước sạch. Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi cũng phải dùng qua 2 lần lọc bằng cát và bằng máy nhưng vẫn thiếu nước sạch để sử dụng".

Theo ông Nghĩa, những chỗ nước thải sau khi lọc đều két lại, hen rỉ và có màu vàng sẫm . 

"Dù là người dân ở Thủ đô mà tôi thấy còn thua xa nhiều vùng nông thôn ở các địa phương khác. Tôi có bà con ở Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hải Dương thì nhiều vùng quê, bà con canh tác nông nghiệp nhưng đều đã có nước máy từ hàng chục năm nay rồi", ông Nghĩa nói.

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua" - Ảnh 4.

Nước giếng khoan ban đầu bơm lên thì trong nhưng sau đó chuyển màu vàng sẫm.

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua" - Ảnh 5.

Nước ở bể lọc tràn xuống tường để lại dấu vết vàng sẫm.

Cùng thôn với ông Nghĩa, bà Phạm Thị Kim, 63 tuổi chia sẻ: "Tôi kinh doanh ở chợ, chuyên bán cá nên phải dùng nước rất nhiều. Để có nước, gia đình tôi thường xuyên phải chuẩn bị sẵn cát để lọc, sau khi lọc qua cát, tiếp tục lọc bằng máy thì nước mới dùng tạm. Ngoài nước mưa và nước giếng khoan cứ đục như nước ở sông Hồng ra thì cũng chẳng còn biết lấy nước đâu mà sử dụng".

"Giá mà có nước sạch sinh hoạt được dự án của TP. Hà Nội triển khai cấp về cho người dân dùng thì tốt biết bao", bà Kim mong muốn.

Theo ông Sinh - Trưởng thôn Hoàng Xá, (xã Thống Nhất) thì ngay ở trong thôn cũng vẫn có gia đình tự đầu tư xây dựng bể chứa nước mưa 6 đến 7 khối nên luôn có nước sạch để dùng. 

Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào cũng có đủ điều kiện để xây bể chứa nước mưa, nên tình trạng nước sinh hoạt thiếu và phải dùng nước giếng khoan rất đục là phần lớn.

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua" - Ảnh 6.

Người dân ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) đa phần xây bể lọc theo kiểu truyền thống.

"Khát" nước sạch, cả xã ở ngoại thành Hà Nội phải dùng nước giếng khoan đỏ như "gạch cua" - Ảnh 7.

Nhiều gia đình phải xây bể chứa nước mưa để tích nước dùng dần.

"Chúng tôi cũng kiến nghị ý kiến của người dân lên UBND xã trong các cuộc họp và trong những buổi tiếp xúc cử tri nhiều lần rồi, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào có dự án đầu tư đưa nước sạch về cho người dân", ông Sinh nói.

Trao đổi với Dân Việt, bà Vũ Thị Hồng – Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 2.000 hộ dân, trong đó, cũng có một số thôn nước giếng khoan vẫn trong và dùng nhưng cũng có một số thôn nước giếng khoan khi bơm nên lại rất đục và như có nhiều sắt, người dân không thể sử dụng được.

"Trong các buổi họp và tiếp xúc cử tri Hội đồng Nhân dân huyện, chúng tôi cũng đã có phản ánh ý kiến của người dân trong xã là mong muốn có nước sạch sinh hoạt cho người dân. Đại biểu HĐND huyện cho biết, dự kiến sẽ có dự án đầu tư cấp nước sạch cho người dân trong năm 2024. Chúng tôi cũng chỉ biết được có thông tin như thế để giải thích cho người dân", bà Hồng nói.

UBND huyện Thường Tín cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 8/29 xã đã được cấp nước sạch. Bao gồm các xã: Văn Bình, Văn Phú, Liên Phương, Hà Hồi, Vân Tảo, Hồng Vân, Thư Phú và thị trấn Thường Tín với khoảng 45.795 người được sử dụng nước sạch (chiếm 16% dân số huyện). Hiện còn 21/29 xã chưa được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tập trung của thành phố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem