Anh có thể chia sẻ lý do vì sao lại có sự ra đời của vở kịch?
- Đây là vở kịch với nội dung phản ánh những vấn đề quyền của người đồng tính tại Việt Nam, một trong những vấn đề vẫn còn là nhạy cảm cho dù đã có nhiều nơi trên thế giới công nhận.
Trước tiên tôi phải chia sẻ về lý do ra đời của vở kịch. Một năm qua, truyền thông đã đăng tải rất nhiều bài báo thể hiện quan điểm đối với dự luật dành cho người đồng tính tại Việt Nam.
Trên thực tế, hôn nhân cho người đồng tính không hẳn là được công nhận và cũng không hẳn là bị cấm đoán thông qua luật. Chính vì vậy mà cuộc sống của họ vẫn có sự ngột ngạt riêng, vẫn bị kỳ thị ngay trong chính của gia đình họ. Trên tinh thần đó Ban giám đốc Nhà hát và tôi nảy ra ý định sẽ làm một vở diễn về vấn đề này, và chúng tôi đã đặt hàng tác giả Lê Chí Trung ở trong Nam viết vở kịch này.
Đề tài kịch đồng tính không phải là mới, nhiều vở kịch đã lựa chọn đề tài này để thu hút khán giả đến với sân khấu, vậy vở diễn của anh có gì đặc biệt?
- Vở kịch kể về những mâu thuẫn trong một gia đình, cụ thể ở đây là mâu thuẫn giữa bố và con trai. Ông bố là một chuyên gia về luật, xây dựng tư vấn luật, nhưng lại không công nhận quyền của người đồng tính, mà trong khi đó con trai ông ấy là người đồng tính. Và từ đây mâu thuẫn xung đột nảy sinh, từ quan điểm sống, cách suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề khác nhau của hai bố con được đẩy lên.
Bên cạnh mâu thuẫn chính của hai bố con, chúng tôi còn bàn đến cách đối nhân xử thế trong xã hội. Không phải lúc nào suy nghĩ của số đông cũng đúng, cũng vĩ đại. Nếu để số đông có quyền quyết định thì ít nhất phải trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Trong vở kịch, chúng tôi xây dựng mỗi cá nhân có nhịp sống riêng, có kênh suy nghĩ riêng và việc lắng nghe, chia sẻ nhau là cực kỳ khó khăn.
Và đây cũng là vấn đề đang phản ánh đúng thực tại trong mỗi gia đình Việt Nam, một cuộc sống mà tôi cho là với nhịp điệu nhanh, mạnh, thậm chí là hơi tàn nhẫn với nhau. Bây giờ con cái dường như không có đủ thời gian để quan tâm tới bố mẹ, gia đình hoặc những liên quan xảy ra xung quanh mình như thế nào. Thông điệp cuối cùng tôi muốn gửi đến khán giả trẻ, đến công chúng là, khát vọng cá nhân sẽ phải đối chọi như thế nào với những khuôn phép xã hội.
Khi dàn dựng vở kịch anh có gặp khó khăn nào không?
Từ năm 2006 tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề đồng tính, tôi có thể tự tin để nói rằng tôi là một chuyên gia về đồng tính. Tôi đủ hiểu để phân biệt, tôn trọng và đưa vừa đủ cuộc sống của người đồng tính lên sân khấu. Đây cũng không phải lần đầu tôi làm về đề tài đồng tính, trước đó tôi đã làm về đồng tính nữ, tiếp đến tôi dựng vở kịch về đồng tính là “Cầu vồng lục sắc”. Những tác phẩm của tôi khi đem diễn ở các trường đại học đã được các bạn sinh viên đón nhận, cũng như có cái nhìn khác về người đồng tính.
Cái kết của vở kịch, tôi muốn là sự ra đi đôi bạn trẻ đồng tính yêu nhau. Họ sẽ lên một chuyến tàu, không phải chỉ đơn giản là đến một địa điểm cụ thể mà cuộc ra đi này, là cuộc ra đi trên chuyến tàu đi vào tương lai, họ đấu tranh, ra đi cho đến khi nào quyền của họ được công nhận thì đoàn tàu đó sẽ dừng lại”.
Thực ra trong xã hội chúng ta có rất nhiều người không hiểu thật sự về đồng tính, nên có những nhận định, ý nghĩ rất quy chụp về họ. Đặc biệt giới truyền thông cũng là nhiều bài viết thể hiện những cái nhìn, hiểu sai lệch, thậm chí bóp méo, đẩy sự việc lên cao hơn thực tế. Tuy nhiên vở kịch này không chỉ nói riêng về đồng tính, đồng tính chỉ là một khía cạnh. Điều khiến tôi tự tin, cái cốt lõi của vở kịch mà tôi muốn nói đến chính là xây dựng hình tượng con người trên sân khấu.
Trong những vở anh đã từng dựng, như về thanh niên với HIV, bạn trẻ với đồng tính, trẻ em lang thang cơ nhỡ... có vẻ như anh chỉ thích những đề tài chuyên về thế hệ thanh niên, trẻ em?
- Theo quan điểm của tôi, thanh niên là nhân vật trung tâm, sản xuất của cải vật chất cho xã hội. Lao động chính cũng là thanh niên, tư duy, sáng tạo một cách tự do, mong muốn phát triển cũng là thanh niên... Đặc biệt hơn nữa, thanh niên có sức mạnh để những người định hướng họ thay đổi. Họ có thể đi những con đường cụt nhưng họ sẽ tìm con đường khác để tiếp tục bước lên phía trước chứ họ sẽ không quay lại hoặc bước lùi.
Cách đây mấy năm khi xây dựng những vở kịch và mang đến các trường đại học, tôi đã từng nói: Tôi không làm những vấn đề về lứa tuổi trung niên, bởi những người trung niên trong não họ đã thành rãnh sâu, và để tẩy rãnh sâu đó và tạo rãnh mới là điều không tưởng. Đây là quan điểm, suy nghĩ của cá nhân tôi.
Xin cảm ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.