Bên cạnh những ý kiến xung quanh vấn đề lạm phát, tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề an sinh xã hội, chính sách phát triển nông thôn, miền núi.
Cần hỗ trợ khâu chế biến nông sản
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu kiến nghị với Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực một cách hợp lý cho xây dựng nhà bán trú cho học sinh học xa nhà, nhà công vụ cho giáo viên còn thiếu, xóa nhanh tình trạng nhà tranh tre tạm bợ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Giá rau ở chợ, siêu thị cao nhưng người nông dân được hưởng lợi nhuận rất thấp. |
“Chính phủ cần cân đối các nguồn vốn cho các chương trình, các dự án đảm bảo triển khai được dứt điểm, không để kéo dài, đặc biệt là các dự án xây dựng đường giao thông vùng miền núi. Để đảm bảo tính hiệu quả trong việc triển khai một số chương trình, một số dự án. Nên xem xét lồng ghép một số chương trình, một số dự án liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bào có mục tiêu, tập trung nguồn lực cho đối tượng trực tiếp được thụ hưởng” - đại biểu Sỹ góp ý.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng Chính phủ cần tăng ngân sách đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp sạch, sản phẩm nông nghiệp chế biến tinh, có chất lượng để tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời cung cấp những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, giảm gián tiếp những chi tiêu xã hội về y tế.
Cũng theo đại biểu Thành, đối với miền núi phía Bắc, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, xúc tiến thị trường để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo. Riêng đối với diêm dân thì có chính sách đầu tư cơ sở chế biến muối công nghiệp để giải quyết vấn đề sản xuất và đời sống của người dân.
Lợi nhuận của nhà nông còn thấp
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) bức xúc trước vấn đề đầu ra trong sản xuất nông sản thực phẩm cho nông dân chưa được quan tâm đúng mức. “Giá nông sản ở siêu thị, ở các chợ rất cao. Người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít của phần tăng đó. Nông dân từ nhiều năm nay không thu lợi bao nhiêu từ chuồng trại, thửa ruộng của mình do họ không định giá được hạt gạo, ký thịt khi làm ra, mà chính là hệ thống trung gian dày đặc mới là người quyết định giá trước khi nông sản bán ra thị trường” - đại biểu Tính phát biểu.
Nguyên nhân chính, theo ông Tính: “Chúng tôi thấy Nhà nước vừa qua ít quan tâm đến khâu phân phối. Vì hệ thống phân phối tại Việt Nam hiện nay chia thành 2 kiểu phân phối. Kiểu truyền thống, tự phát, thỏa thuận được mua, vừa bán, một mặt hàng nhiều người bán buôn, tập trung ở khu điểm. Thứ hai là hệ thống phân phối liên kết dọc”. Đại biểu Tính thẳng thắn đề nghị: Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương nên rà soát để tính toán lại hệ thống phân phối để giúp cho người nông dân có lãi trong sản xuất nông nghiệp từ 40-50%.
Kết thúc một ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 101 đại biểu đăng ký, 68 ý kiến đã phát biểu tại hội trường. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.