Mày mò, kỳ công
Hơn 6 năm qua, hễ có thời gian rảnh, Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1988), trú tại phường Thủy Xuân, TP.Huế lại đi sưu tầm những hình ảnh của Huế xưa. Trong tổng số khoảng 1.500 bức ảnh mà Thìn có được, hầu hết trải qua một quá trình kỳ công tìm kiếm thông tin từ rất nhiều nguồn.
Nguyễn Văn Thìn ngồi tìm ảnh Huế xưa.
Thìn chia sẻ, năm 2009, anh bắt đầu có đam mê sưu tầm ảnh. Lần tìm trên các trang mạng, website về thời trang Huế xưa, anh có được khoảng vài chục hình ảnh áo dài giai đoạn năm 1920-1975. Nguồn ảnh trên mạng cạn dần, Thìn chuyển sang hỏi những người sưu tầm đồ cổ, “lùng” trên các trang mạng nước ngoài, viện bảo tàng… “Muốn có được thông tin đó cũng không dễ dàng, phải đi hỏi những người lớn tuổi rành về lịch sử. Do bản thân không có nhiều mối quan hệ, nên việc xác định thông tin càng trở nên khó hơn”, Thìn trải lòng.
Trào lưu kiếm tìm những “kỷ vật” thuộc về quá khứ, kể cả ảnh như một thú vui hấp dẫn giới trẻ. Nguyễn Thị Như Quỳnh, đang học đại học tại TP.HCM cho biết, sưu tầm ảnh Huế xưa là công việc sau giờ phút học tập của em. Tuy sống xa quê và niềm đam mê “ngốn” không ít thời gian, nhưng bù lại, em thấy hạnh phúc khi tìm được ảnh. Theo Như Quỳnh, ngoài việc tìm ảnh ở TP.HCM, mỗi lần ra Huế chỉ vài ngày ngắn ngủi, em cũng tranh thủ chạy về nhà trưng bày nông cụ ở Thủy Thanh, nơi có những bức ảnh xưa hoặc mượn tài liệu của dòng họ vẫn còn lưu lại ảnh.
Bức ảnh chân cầu Đông Ba xưa.
Có những trường hợp ngoại tỉnh đến Huế, nhận thấy cái hay của trào lưu mới đã bỏ công tìm kiếm những bức ảnh xưa. Việt Hùng (sinh năm 1992), quê ở Quảng Bình kể, là một người yêu thích nhiếp ảnh và hay đi săn ảnh nhưng khi thấy những bức ảnh Huế xưa, Hùng lại có một tình cảm đặc biệt và bắt đầu công việc sưu tầm. Không được sinh ra ở Huế, nên những thông tin và nguồn tìm kiếm đối với chàng trai là một rào cản.
Theo các bạn trẻ theo đuổi đam mê này, khó khăn thường gặp là những bức ảnh đã bị hỏng do thời gian. “Gặp trường hợp này, mình phải tìm cách phục hồi, nhưng khó để đạt chất lượng mong muốn lắm”, Văn Thìn nói.
Vừa học - chơi
Mỗi bạn trẻ đam mê sưu tầm ảnh Huế xưa đều có cách lý giải cho sở thích của mình, đa số xoay quanh mục đích vì tình yêu mảnh đất sông Hương núi Ngự. Như Quỳnh chia sẻ: “Em là người Huế, học ở phương xa nên muốn tìm những bức ảnh ngày xưa đặt song song với ảnh ngày nay để bạn bè thấy sự thay đổi của Huế. Huế xưa cũng đẹp mà nay càng đẹp hơn”.
Một bức ảnh về đời sống người dân vạn đò xưa.
Thông thường khi có ảnh, các bạn trẻ không giữ riêng cho mình mà chọn cách công khai giới thiệu đến mọi người nhằm quảng bá nét đẹp của Huế. Văn Thìn cho rằng, ảnh Huế xưa được rất nhiều người yêu thích, vì đây là mảnh đất kinh đô của Việt Nam một thời; “tín đồ” của những bức ảnh ấy là các bạn trẻ. Mỗi lần cập nhật ảnh Huế xưa trên trang facebook cá nhân của mình, anh nhận thấy sự quan tâm của không ít thanh thiếu niên ở Huế. “Có bức ảnh mình đăng lên nhận tới 2.000 lượt chia sẻ, chứng tỏ sức hút của ảnh Huế xưa rất lớn”, Thìn nhấn mạnh.
Chị Cao Thị Mỹ Nga, một người gốc Huế hiện đang sinh sống tại Nam bộ tâm sự: “Mình thích ngắm những bức ảnh Huế xưa do các bạn trẻ đăng lên trên facebook. Hồi xưa mình sống ở Thành Nội Huế. Năm 2010 có ra Huế tìm lại nhà cũ mà không được nữa vì bây giờ Huế phát triển, đường sá khác xưa nhiều. Là người Huế xa quê, lâu lâu được nhìn những bức ảnh Huế xưa cũng an ủi phần nào”.
Việc sưu tầm ảnh Huế xưa vừa chơi nhưng cũng để học. Nhờ quá trình tương tác với người xem, những người giàu kiến thức sẽ phản hồi, cung cấp thêm thông tin cho các bức ảnh đó, quý hơn là những bài học lịch sử. Việt Hùng cho biết, một số lần không tìm được thông tin bức ảnh, em đã đăng lên nhờ mọi người giúp đỡ. Thông tin trả lời từ nhiều người giúp sưu tầm chọn lọc, sau đó cho ra một kết quả mà nhiều người đồng ý nhất.
Nhiều người nhận định, dẫu đây chỉ là thú vui của giới trẻ nhưng đó cũng là cách thể hiện tình yêu Huế. Như lời Văn Thìn chia sẻ: “Để thể hiện tình yêu quê hương, có rất nhiều cách, trong đó có cả việc mà mình và các bạn trẻ đang làm. Sau này khi số lượng đạt mốc mong muốn, mình sẽ mở một quán cà phê trưng bày các bức ảnh ấy để những ai ghé lại sẽ phần nào yêu thêm mảnh đất và con người đằm thắm này”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: “Nếu giới trẻ sưu tầm được những bức ảnh Huế xưa và chú thích thông tin chính xác thì sẽ có tác dụng quảng bá cho nét đẹp Huế. Nhưng để làm được điều này, người sưu tầm cần có cái tâm, có kiến thức về văn hóa, lịch sử kể cả về lịch sử nhiếp ảnh ở Huế”.
|
Thanh Tâm (baothuathienhue)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.