Khi Bí thư Đà Nẵng nói thẳng về việc làm “không đúng vai”

Vương Hà Thứ sáu, ngày 27/07/2018 09:26 AM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, trước đây hàng tháng Thường vụ Thành uỷ gặp, lắng nghe, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp là “không đúng vai”?
Bình luận 0

Đến bây giờ có thể hiểu vì sao Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thường xuyên trao đổi một cách thẳng thắn với các thành viên câu lạc bộ Thái Phiên (CLB) – nơi sinh hoạt của các cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn.

Tại CLB này, những cán bộ trung, cao cấp, những vị tướng tá đã nghỉ hưu không chỉ không ngại ngần đưa ra những câu hỏi thẳng vào những vấn đề nhạy cảm, những nội dung bức xúc trong xã hội mà cũng không dễ chấp nhận những câu trả lời kiểu “vòng vo Tam quốc” của các vị đương chức. Do đó, việc Bí thư Trương Quang Nghĩa mạnh dạn chọn CLB này để trao đổi thường xuyên, phần nào đã thể hiện thái độ của ông.

img

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.

Chính tại CLB này, Bí thư Trương Quang Nghĩa đề cập sớm nhất, thẳng thắn nhất đến vụ án Vũ “nhôm” và cả Út “trọc”. Rồi cũng chính tại diễn đàn này, ông Nghĩa đề cập đến lý do vì sao phải xử kín Vũ “nhôm” về tội làm lộ bí mật nhà nước và sẽ xét xử công khai 2 tội danh khác liên quan đến Vũ “nhôm”.

Sự công khai, thẳng thắn của ông đã xóa tan những hoài nghi, thậm chí đặt điều này nọ trên mạng xã hội về việc xử kín vụ án Vũ “nhôm”.

Nhưng không chỉ vậy, cũng trên diễn đàn này, vào ngày 24.7 vừa qua, ông còn đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm, vốn vẫn đang còn nhiều băn khoăn trong dư luận, đặc biệt trong giới doanh nhân không chỉ ở Đà Nẵng mà có tính lan tỏa trên cả nước.

Đó là vấn đề Thường vụ Thành ủy nên làm “đúng vai” của mình.

Tại đây, ông Nghĩa dẫn ra có những cách làm “không đúng vai” của Thường vụ Thành uỷ trước đây là hàng tháng, Thường vụ gặp, lắng nghe, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Tại sao lại “không đúng vai” khi lắng nghe ý kiến doanh nhân? Chắc ý kiến này của ông Nghĩa sẽ được phản hồi bởi những quan điểm khác.

Vấn đề này được ông lý giải, việc Thường vụ Thành ủy gặp doanh nghiệp thường kỳ hàng tháng để giải quyết các vấn đề là một nếp tốt nhưng đôi khi cũng bị lạm dụng. Ông Nghĩa nhấn mạnh việc đó “thuộc về chức năng của UBND thành phố chứ không phải Thường vụ Thành uỷ”. Rất ngắn gọn, rõ ràng.

Lý giải kỹ hơn về sự lạm dụng, ông Nghĩa nói thẳng: “Có doanh nghiệp nào có cổ phần của 1 trong 3 ông Thường trực không? Rồi có khi sau một thời gian Bí thư có mấy thằng em, Chủ tịch có mấy ông em, Phó Bí thư có mấy ông em, thế là loanh quanh một hồi thì sẽ thành thoả hiệp với nhau. Hôm nay giải quyết thằng này, chúng mày nhớ lần sau giải quyết thằng kia. Cái đó sẽ dẫn tới tiêu cực”. 

Và ông Nghĩa còn nói rõ hơn nữa: “Thường vụ, HĐND, UBND đều có chức năng rất rõ ràng. Chức năng của ai người nấy làm”.

Không chỉ là rõ ràng, mà mỗi người nghe còn thấy rất rõ, ông Nghĩa  đang “lấy đá ghè chân mình”. Bởi đã nói như vậy nghĩa là ông Nghĩa sẽ không làm thay chức năng của ủy ban và như vậy, dĩ nhiên ít có điều kiện để “bao sân” và bênh “những thằng em”.

img

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa gặp gỡ trò chuyện thân mật với các hội viên CLB Thái Phiên. 

Nói về việc “lấy đá ghè chân mình”, tôi lại nhớ đến nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh. Đầu năm 2014, tâm sự rất thật với báo chí, Bộ trưởng Vinh phải thốt lên: “Khi lên trung ương, tôi càng nhìn thấy rõ sự vô lý, chả biết có bao nhiêu tiền. Một ngày tôi phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Tôi thấy như vậy là bất ổn”. Rõ ràng, nếu để nguyên bất ổn này, ông và thuộc cấp càng nhiều quyền… “cho”. Nhưng ông đã không “ngậm miệng ăn tiền” mà nói toạc ra hết để rồi điều chỉnh nó.

Chỉ sau 3 ngày làm “tư lệnh” ngành, ông Bùi Quang Vinh đã triệu tập họp để xây dựng chỉ thị mới (chính là Chỉ thị 1792 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ) về đầu tư công, bởi như ông nói, nếu để nguyên như thế thì Nhà nước vỡ nợ.

Chúng tôi nói chuyện “tự trảm” bởi đây là vấn đề vẫn rất thời sự.

Bộ Công Thương hiện được cho là “tự trảm” nhanh, mạnh mẽ, thiết thực nhất khi loại bỏ hàng trăm giấy phép con và đưa ra những phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt thủ tục hành chính.  

Vậy nhưng, dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói rất nhiều về việc cắt bỏ các loại giấy phép con không cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đã có bao nhiêu bộ, ngành hưởng ứng một cách thiết thực? Như công luận thông tin, nhiều bộ, ngành vẫn đang “nghiên cứu”, hoặc với triển khai với tiến độ rùa bò. Bởi đâu dễ gì họ từ bỏ những… “quyền cho” của mình.

Quay trở lại những hành vi làm “không đúng vai”, dư luận không khó để nhận biết, ở không ít địa phương, Thường vụ, HĐND và UBND không làm đúng vai của mình dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng. Ví dụ điển hình là Đà Nẵng - nơi Sơn Trà bị xẻ thịt, nơi Vũ “nhôm” dễ dàng tác oai tác quái. Hậu quả, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020 bị thi hành kỷ luật cảnh cáo và hai cựu Chủ tịch thành phố này bị khởi tố.

Do đó, nhằm ngăn chặn sai phạm, các cơ quan chức năng cần luận bàn, làm rõ ràng hơn và xử lý nghiêm khắc hơn với những người làm “không đúng vai”. Dù rằng, ranh giới “không đúng vai” với sự nhiệt huyết khá mong manh. Nhưng nếu cán bộ có trách nhiệm làm đúng tâm, đúng bổn phận, việc phân định đúng sai cũng không phải là khó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem