Khi chủ nhân di sản xin trả lại Nhà nước “miếng bánh” khó nuốt

Chủ nhật, ngày 12/05/2013 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả tuần nay, báo chí nóng lên vì chuyện của 2 di sản văn hóa ở TP.Hà Nội: Một là lá đơn kêu cứu của trụ trì chùa Diên Hựu (Một Cột), hai là lá đơn xin trả danh hiệu di tích quốc gia của gần 60 hộ dân làng cổ Đường Lâm.
Bình luận 0

Về bản chất sự việc thì hoàn toàn khác nhau nhưng cùng có chung một vấn đề, đó là sự bất bình của người chịu trách nhiệm trực tiếp gìn giữ di tích với thái độ của các cơ quan công quyền trong việc trùng tu, bảo vệ di tích.

Những bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm thì có từ lâu rồi, nhưng đến gần đây mới bùng phát quyết liệt và dồn vào thành lá đơn “trả danh hiệu”. Nghe thật ngậm ngùi, trong khi các địa phương đổ bao tiền của cho những hồ sơ xin phong tặng danh hiệu tầm quốc tế và quốc gia, thì người dân làng Đường Lâm lại làm chuyện ngược đời. Danh hiệu ở đây phải chăng là một miếng bánh, tưởng ngọt ngào đấy, nhưng mà nuốt thì không trôi.

img
Người dân làng cổ Đường Lâm đang phải sống trong cảnh chật hẹp, thiếu thốn

Ở đời, đã có câu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” để diễn tả rất hay cái ý chuyện gì cũng phải có đi có lại mới toại lòng nhau. Vậy thì đòi hỏi của người dân làng cổ Đường Lâm là hoàn toàn xứng đáng, Nhà nước giao cho họ trách nhiệm giữ gìn di sản thì tốt thôi, vinh dự quá, nhưng đổi lại họ phải được cái gì chứ? Tiền đã chẳng có (trong làng chỉ có 4 hộ được nhận tiền trà nước là vài trăm ngàn một tháng), muốn xây dựng để có chỗ cho con cái thì đợi quy chế từ 8 năm nay vẫn chưa soạn xong, động cựa một tý là vi phạm luật này luật kia, bị cắt điện, cắt nước để... trừng phạt.

Thế mới biết, các nhà hoạch định, chính sách, quy định của các cơ quan quản lý ở ta thật thiếu gần dân, họ lúc nào cũng vi vu như ở trên mây trên gió vậy. Chúng tôi tin nếu đưa những chuyên viên của Bộ VHTTDL, của Sở VHTTDL Hà Nội, của thị xã Sơn Tây về sống vài tháng với người dân Đường Lâm để thấm thía cái nỗi “ở trong chăn” thì chắc là cái quy hoạch xây dựng làng cổ phải được làm nhanh lắm, hợp lý lắm. Chứ đâu tới nỗi nếu muốn xây một cái nhà tắm cũng phải vác đơn lên xin bộ như thế này.

Thiếu một tầm nhìn xa là thực trạng chung của toàn xã hội, trong mọi lĩnh vực, đụng vào đâu cũng thấy toàn những chuyện được sắp xếp bằng những kế hoạch ngắn tủn mủn và ít nhiều thiếu thực tế. Làm gì có nước nào yêu cầu người dân phải hy sinh lợi ích của họ để đi bảo tồn di sản mà không lo cho họ một môi trường sống khác dễ thở hơn, tử tế hơn, không giúp người dân cách làm du lịch để sống cùng di sản, thực sự vào cuộc để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế như nước mình?

Ở Malaysia, chính quyền đã xây hẳn một thành phố mới để dãn dân, giúp bảo tồn làng cổ Malacca. Ở Đức, nếu cần bảo tồn công trình nào thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền sẽ mua lại công trình đó với sự đồng tình của người dân. Dù sao đi nữa, quyền sống của con người cũng phải đặt lên hàng đầu, không giải quyết được những nhu cầu chính đáng tối thiểu, đòi hỏi họ hy sinh là một chuyện vừa thiếu tình vừa thiếu lý.

Cứ với cách quản lý và quy hoạch di sản cứng nhắc, thiếu tình, không để tâm tới các lợi ích của những đối tượng liên quan trực tiếp đến di sản như hiện nay, có thể sẽ không chỉ một làng Đường Lâm mà còn nhiều chủ nhân di sản khác xin trả lại cho Nhà nước “miếng bánh” khó nuốt này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem