Khi đồng tiền nhảy múa

Thứ ba, ngày 24/08/2010 10:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đi qua 10 mùa V.League, không thể phủ nhận sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tiếc là những bước tiến ấy vẫn chưa xứng với tiềm năng vì những rào cản chủ quan trong hành trình lên chuyên.
Bình luận 0
img
Cả XM Hải Phòng và Bình Dương đều không thể giành ngôi vô địch.

Nghịch lý nhưng hợp lý

Kết thúc V.League 2010, Hà Nội T&T lên ngôi vô địch. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi thế chân vạc HAGL-ĐT.LA-Bình Dương đã bị phá vỡ. Nối gót "người anh em" SHB Đà Nẵng, đội bóng Thủ đô đã khẳng định được mình như một thế lực của BĐVN. V.League hứa hẹn sẽ rất sôi động khi có nhiều nhà giàu tham gia vào cuộc chơi.

Xoá nợ ân tình

Cùng với nhiều mặt trái, có thể khẳng định khi đồng tiền vào cuộc, những sợi dây ân tình trong quá khứ đang ngày càng mờ đi. Việc những thế lực "dày quan hệ" như HP.Hà Nội, Hà Nội ACB chấp nhận xuống hạng sau khi V.League 2008 khép lại, rồi tới TP.HCM chia tay V.League khi mùa giải 2009 kết thúc, và mới đây là M.Nam Định ghi tên mình ở giải hạng Nhất 2011 đã minh chứng cho điều đó.

Vấn đề nằm ở chỗ liệu Hà Nội T&T sẽ đóng góp được bao nhiêu người cho ĐTQG chuẩn bị bước vào hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch AFF Cup cuối năm nay? Điểm ra chỉ có thủ môn Hồng Sơn, tiền vệ Sỹ Cường là hai gương mặt khả dĩ nhất.

Con số ấy là quá ít ỏi, không hợp với xu thế phát triển bóng đá khu vực và thế giới. Nói cách khác, đó là một nghịch lý, nhưng lại hợp lý nếu nhìn vào những gì đang diễn ra ở BĐVN. Vì sao?

Dễ dàng nhận thấy chiếc áo đội tuyển giờ gần như chỉ là niềm mơ ước của những cái tên chưa từng 1 lần có vinh dự đó. Mục đích chính của việc lên tuyển, lên đội U23 là để "lấy số", nâng giá trị trên thị trường chuyển nhượng vốn đang leo thang chóng mặt.

Trên khía cạnh đó, chuyện Hà Nội T&T với một tập thể gồm nhiều cá nhân hoặc đã dần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, hoặc đang khát khao khẳng định mình, lại được bầu Hiển ra sức "bơm tiền" sau những trận thắng không vô địch V.League mới là chuyện lạ.

Đừng làm khổ nhau

Ở thái cực khác, những "ngôi sao" đã khẳng định được mình trong màu áo đội tuyển về CLB tha hồ làm mình làm mẩy, thích thì đá, không thích thì "buông", mà không sợ bị trừng phạt. Ông bầu nào dám đẩy họ đi khi luôn có những CLB khác sẵn sàng dốc tiền tỷ trải thảm đỏ mời về?

Đó là lý do khiến SHB Đà Nẵng, Bình Dương, XM.Hải Phòng, thậm chí cả HAGL, V.Ninh Bình vốn không thua kém Hà Nội T&T, thậm chí còn nhỉnh hơn về lực lượng, nhưng lại không thể đăng quang. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới chuyện cối xay HLV đang ngày càng hoạt động mạnh ở V.League, bởi ông chủ thà chấp nhận "trảm tướng" còn hơn đụng tới quân.

Chiều qua (23-8), trả lời NTNN xung quanh những vấn đề liên quan tới mặt trái của đồng tiền, ông Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch VFF nói: "Đó là hệ quả của quy luật cung-cầu và VFF gần như không thể can thiệp nổi.

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ cũng có chuyện sốt ảo như thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất... và VFF chỉ có thể đưa ra những phân tích, kêu gọi các đội bóng tỉnh táo hơn trong chuyện mua-bán cầu thủ mà thôi.

Chính sự thiếu kiên nhẫn, ngại đầu tư căn cơ, hướng vào đào tạo trẻ, mà chỉ chú ý đến thành quả trước mắt đang khiến các CLB bóng đá Việt Nam tự làm khổ chính mình và làm khổ lẫn nhau, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của bóng đá nước nhà".

Và nếu như đồng tiền cứ tiếp tục có đất "nhảy múa", thì chuyện V.League có thêm nhiều ngôi sao "phát bệnh" không có gì lạ. Năm nay, Lê Công Vinh vái lạy trọng tài trên sân Cao Lãnh vòng 6, Như Thành đôi co với khán giả trên sân Chi Lăng vòng 21, Tấn Tài tát vào mặt đối thủ ở vòng 25... Vậy còn năm sau?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem