Trong buổi ra mắt sách tháng trước, nhà báo Hoàng Anh Sướng phấn khích kể lại duyên hạnh ngộ của anh với thiền sư Thích Nhất Hạnh, khiến anh được mời theo ông rong ruổi nước Mỹ 3 tháng khác nào một khóa tu tập, và cuối cùng cho ra những bài báo câu khách, tập hợp lại trong cuốn Hạnh phúc đích thực, được bạn thân vong niên - nhà thơ Trần Đăng Khoa “PR” (tiếp thị) là cuốn sách “của mọi người, mọi nhà”.
Dạy cách để hạnh phúc thì nhiều người đã viết, Thích Nhất Hạnh cũng chỉ là một trong số đó. Ông có cách diễn đạt giản dị, “tâm từ bi, ngôn từ hòa ái” khiến ai cũng có thể tự niệm, suy ngẫm, cơ hồ tìm lối ra để có thể hạnh phúc hơn.
Chẳng hạn: “Hằng ngày, ta vẫn đi nhưng ta thường đi như bị ma đuổi. Chúng ta hấp tấp đi về tương lai để tìm hạnh phúc, tìm danh lợi, tìm cái gì đó và đánh mất sự sống. Sự sống trên trái đất rất ngắn nhưng mọi người chưa biết sống sâu sắc trong từng giây phút để có hạnh phúc. Đi như vậy, ta để lại những dấu vết hằn tất tả và phiền muộn lên mặt đất”.
Mới đây, đại thiền sư từng trải qua bạo bệnh. Không phải vì vậy ông mới quý trọng từng phút giây được sống trên cõi đời này: “Có một bài thi kệ để thực tập khi chải răng. Khi thực tập bài thi kệ này, chúng ta có thể biến hai hay ba phút chải răng thành những giây phút hạnh phúc. Tôi nay đã 87 tuổi, vậy mà mỗi lần chải răng tôi vẫn thấy vui. Tôi nghĩ thật là hạnh phúc quá chừng, ở tuổi này rồi mà tôi vẫn còn răng để chải!”.
Ông không cho rằng “hạnh phúc là đấu tranh”. Cũng như từng có quan niệm hơi khác số đông về ân oán. “Thúy Kiều báo ân báo oán” là một trong những trích đoạn kinh điển của Kiều và văn học Việt Nam, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Trong cuốn Thả một bè lau, ông viết đại ý rằng bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Ưng Khuyển... đã bị trời bắt tội làm người xấu người ác, bản thân họ đã khổ sở bi kịch lắm rồi cần gì phải bồi thêm nữa, báo oán làm gì nữa khi Thúy Kiều lúc ấy đang trên đỉnh cao danh vọng lẽ ra nên hỉ xả mới phải!
Cũng với quan niệm không giống số đông đó, trong Hạnh phúc đích thực, ông muốn nói với những người có chồng, cha, con hy sinh mà chưa tìm được hài cốt rằng dù xác thân còn ở đâu đó họ vẫn nằm trong lòng đất mẹ, được đất mẹ ôm ấp chở che.
Ông giải tỏa một cách khá thuyết phục mọi vấn đề mà người đối thoại - nhà báo Hoàng Anh Sướng đặt ra, từ câu chuyện về hòa bình thế giới cho đến hiện đại hóa Phật giáo, tình yêu nam nữ, gia đình, thói quen ăn uống, tình dục của giới trẻ, nạo phá thai...vân vân. Ông cho biết “Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu không thể thương yêu sâu sắc”.
Ông cũng giải thích việc mình kêu gọi tăng thân cũng như những người đã ủng hộ các nguyên tắc hòa bình của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Khi Obama xuất hiện, chúng tôi thấy Obama có khả năng nói lời ái ngữ, lời hiểu biết và không kỳ thị. Nhưng Obama cũng rất mong manh - ông không thể nào tiếp tục là Obama nếu không được sự ủng hộ của một cộng đồng vững chãi, của những người đã tin tưởng nơi những nguyên tắc hòa bình, bất bạo động như ông...” “Hiện tại có quá nhiều yếu tố dường như đang kéo Obama đi về nẻo khác. Thế nên ta phải động viên các cộng đồng tu tập đang đi về hướng hòa bình nhân bản đó, ta phải giúp che chở để Obama còn có thể tiếp tục là Obama”. Và “Đó không phải là ủng hộ một đảng phái mà là ủng hộ một ước vọng thâm sâu, một thao thức hướng về nẻo chân thiện mỹ”.
Đọc cuốn sách mới nhất của Thích Nhất Hạnh để hiểu thêm về một nhà văn, nhà thuyết giáo nổi tiếng thế giới, từng có tình yêu thời trẻ nhưng đã từ bỏ ra sao. Và để chiêm nghiệm về ý nghĩa của cuộc sống và hạnh phúc đích thực- điều mà ai cũng nói đến nhưng có vẻ sẽ mãi loay hoay cho đến hết đời.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.