Hôm qua, một “soái ca bí ẩn” được cho là trợ lý ngôn ngữ mới của HLV Park Hang-seo xuất hiện chớp nhoáng cùng ông trong buổi tập thể lực của ĐT U19 Việt Nam, khiến các fan bóng đá tò mò đồn đoán, rồi so sánh, nhắc nhở, xới lại “vết xe đổ” của trợ lý cũ vừa nghỉ việc.
Chuyện nhắc nhở có vẻ hơi sớm, nhất là với một người mới nhận công việc tạm thời, nhưng có lẽ cũng không hẳn là thừa. Tôi đắn đo mãi về việc có nên nói ra hay không về việc trợ lý ngôn ngữ cũ của HLV Park Hang-seo từ chức sau khi xuất bản cuốn sách tiết lộ những chuyện “thâm cung bí sử” ở đội tuyển bóng đá. Nhiều người cho rằng người trợ lý ngôn ngữ đó là nạn nhân của thị phi, nhưng tôi nghĩ anh là nạn nhân của chính mình.
Trợ lý ngôn ngữ của HLV ĐTQG (phải) vừa nghỉ việc.
Mấy tháng trước, theo dõi những chia sẻ trên báo khi một vị lãnh đạo qua đời, tôi khá ngạc nhiên khi gặp câu chuyện của những người phiên dịch. Những câu chuyện không chỉ đề cập đến những thói quen hay kỷ niệm cá nhân, nó có cả những nội dung công việc khá cụ thể. Những thông tin ấy, dù tốt hay xấu, rõ ràng là đã được tiết lộ cho công chúng một cách cố ý và ngoài ý muốn của người trong cuộc - những người mà họ phục vụ với tư cách phiên dịch.
Nguyên tắc trước hết của người làm phiên dịch, tôi nghĩ, là sự vô hình của chính mình, và khả năng "quên" những gì mình giúp người khác chuyển tải. Những thông tin và từ ngữ trong các cuộc giao tiếp, đương nhiên là của những chủ thể trong cuộc chứ không phải và không thể là của những người phiên dịch. Khi nói ra hay kể lại những thông tin như vậy, mà không có sự đồng ý của người được dịch (lúc này đã không còn khả năng xác nhận cũng như đồng ý), rõ ràng những người phiên dịch đó đã vi phạm nguyên tắc bảo mật tối thiểu.
Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe một bạn nào đó lên báo hay lên mạng xã hội "khoe" những câu chuyện họ làm cho một cá nhân hay tổ chức nào đó được các bạn tư vấn. Tôi khá ngạc nhiên khi các bạn vừa nhận tiền công từ khách hàng, vừa lấy những câu chuyện công việc ấy ra để bán cho báo chí. Nguyên tắc tương đối đơn giản trong những trường hợp tương tự, là bạn chỉ nên nói, kể, tiết lộ những gì đã được khách hàng đồng ý, ngoài ra, mọi thứ khác đương nhiên phải được bảo mật, kể cả việc bạn có tham gia vào những câu chuyện của khách hàng, đối tác.
Nếu bạn từng làm kinh doanh hay có công việc nào đó với những doanh nghiệp hay tổ chức nước ngoài, bạn sẽ luôn hiểu rằng, trước khi được tiếp cận hay trao đổi những thông tin liên quan, bạn sẽ được yêu cầu ký vào một bản thoả thuận bảo mật (non disclosure agreement - NDA).
Thỏa thuận bảo mật sẽ bao gồm khá nhiều những điều khoản mà bạn phải tuân thủ, ví dụ nếu bạn làm việc với một đoàn làm phim nước ngoài, bạn sẽ không thể kể về việc mình đang làm cho đến khi phim ấy được công chiếu. Đã có câu chuyện một vài người đối mặt với nguy cơ kiện tụng và bồi hoàn lớn cho dù đã ngay lập tức bị chấm dứt hợp đồng, vì không tuân thủ các quy định bảo mật, ví dụ kể về bối cảnh hay câu chuyện của một nhóm làm phim.
Trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo (phải) đã xuất bản sách kể nhiều chuyện hậu trường của ĐT U23 và Olympic VN.
Câu chuyện gần đây khi phiên dịch của ông huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia xuất bản sách kể về những câu chuyện anh ấy tham gia trong thời gian làm phiên dịch cho đội tuyển khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi lĩnh lương của Liên đoàn bóng đá làm phiên dịch, anh ấy đương nhiên phải hiểu rằng, việc của mình chỉ là phiên dịch và có nghĩa vụ phải bảo mật mọi nội dung và câu chuyện mình tham gia. Tính riêng tư và bí mật công việc đương nhiên là những thứ cần phải được tôn trọng và không thể công bố, cho dù với bất kỳ mục đích gì.
Tôi cũng khá ngạc nhiên khi có nhà xuất bản sẵn sàng đương đầu với khả năng đối diện với những nguy cơ pháp lý rõ ràng. Tôi còn ngạc nhiên hơn, khi chính Liên đoàn bóng đá đã không có những thoả thuận bảo mật như vậy với những công việc như phiên dịch hay nhân viên hành chính. Để những người chuyên nghiệp như huấn luyện viên phải e ngại về khả năng bị tiết lộ thông tin công việc, hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung và tận tâm của họ.
Một cách thông thường, sẽ không ai mong muốn cộng tác với những người sẵn sàng phá bỏ những nguyên tắc cơ bản của bảo mật hay tôn trọng các thông tin nội bộ như vậy. Một người chuyên nghiệp và có trách nhiệm sẽ không chỉ từ chối tiết lộ các thông tin, mà nếu tình cờ biết những thông tin như vậy, họ cũng sẽ phối kiểm với nguồn tin để chắc chắn là những thông tin tình cờ được biết như vậy có thuộc phạm vi cần bảo mật hay không.
Người phương Tây thường dặn nhau "happened on tour, stay on tour - những gì xảy ra trong chuyến đi sẽ ở lại trong chuyến đi", với hàm ý đừng vì buôn chuyện mà tiết lộ những gì không cần thiết. Và tôi không ngạc nhiên, nếu người ta sẽ e ngại làm việc với những người sẵn sàng xâm phạm những nguyên tắc nghề nghiệp như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.