Khi trang phục dân tộc bị tha hồ biến tấu

Thứ tư, ngày 01/08/2012 09:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dư luận đang xôn xao bàn luận về bộ trang phục dân tộc mà người đẹp Hoàng My mặc dự thi Miss World 2012. Một vấn đề đặt ra là có phải chúng ta đang quá “rộng rãi” khi để các nhà thiết kế tha hồ biến tấu?
Bình luận 0

Mập mờ về “lấy cảm hứng”

Các năm trước, khi xuất hiện tại các phần thi trang phục dân tộc, người đẹp VN thường xuất hiện trong tà áo dài duyên dáng, thiết kế dù có cách điệu đến đâu cũng không vượt ra ngoài “phom” chuẩn của chiếc áo dài.

Thế nhưng một vài năm gần đây, tại các cuộc thi Miss World, Miss Universe, Miss International, các thí sinh đến từ VN đã mạnh dạn giới thiệu những bộ trang phục không phải là áo dài mà các là những chiếc váy áo lấy cảm hứng từ những nét vẽ trang phục người Việt cổ trên trống đồng, từ trang phục các dân tộc thiểu số... như của các người đẹp Trúc Diễm, Hoàng Ngân, Hương Giang... Các nam thí sinh Tiến Đoàn, Vĩnh Thụy, Ngọc Tình đều hết sức tự tin khi cởi trần, đóng khố dự thi Trang phục dân tộc tại Mr International hay Best Model of the World.

img
Bộ trang phục dân tộc của Hoàng My “sexy quá mức”.

Phải nói thẳng rằng phần nhiều các thí sinh từ VN lại trình diễn những bộ trang phục mà các nhà thiết kế chỉ “lấy cảm hứng” từ trang phục dân tộc, vì thế mà khi giới thiệu đó là “trang phục dân tộc” của VN, dư luận ngỡ ngàng và bức xúc.

Trong trường hợp bộ trang phục của người đẹp Hoàng My do nhà thiết kế Lê Thanh Hòa sáng tạo, mặc dù đã được diễn giải là từ trang phục của người Âu Lạc với phần thân trên là áo yếm, phía trước xẻ giữa, phần thân dưới được thiết kế dựa trên váy quấn, ngắn, tạo sự linh hoạt và nhanh nhẹn trong sinh hoạt (săn bắn), cách điệu từ họa tiết của trống đồng Đông Sơn và biểu tượng chim Lạc... nhưng nó vẫn bị đánh giá là quá sexy và xa lạ với bản chất văn hóa kín đáo và nền nã của người Việt.

Nhiệm vụ bất khả thi

Nhìn lại hàng loạt những bộ “trang phục dân tộc” (ngoại trừ chiếc áo dài) mà các thí sinh đã đem đi giới thiệu tại các sân chơi sắc đẹp thế giới, có thể thấy, các nhà thiết kế dường như đã quá mạnh tay và hơi phóng túng trong việc thể hiện ý tưởng của họ.

Bộ trang phục của Trúc Diễm tại Cuộc thi Miss International 2011 thì quá kiệm vải nhưng lại rườm rà lông vũ, bộ của người đẹp Phan Thị Mơ ở cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ 2011 nhìn như bộ trang phục của vũ công trong điệu múa chim công. Tại Cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011, đại diện Việt Nam là Hoàng Ngân giới thiệu một bộ trang phục có phần trên “chèn ép” vòng 1 quá mức, lai tạp giữa bộ trang phục của hoàng hậu và một nhân vật trong các trò game.

Trang phục dân tộc của Hoàng My tại Miss World 2012 bị chê nhiều nhất là đường xẻ ở giữa ngực và chiếc cung tên cầm tay, bởi phụ nữ thời Âu Lạc xưa mặc váy quấn và có yếm che kín ngực, còn cung tên chỉ dành cho nam giới để săn bắn.

Nếu bảo rằng các người đẹp thông qua bộ trang phục để giới thiệu vẻ đẹp văn hóa và truyền thống lịch sử của đất nước VN với bạn bè quốc tế thì quả thật là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi nhìn vào những thiết kế được biến tấu một cách quá đà và pha tạp trong nhiều phong cách như vậy, người ta khó có thể hình dung ra trang phục dân tộc của phụ nữ VN là như thế nào.

Từ trước tới nay, công việc thiết kế, tìm kiếm trang phục cho các người đẹp đi thi quốc tế hầu như được Bộ VHTTDL phó mặc hoàn toàn cho các đơn vị đưa thí sinh đi. Hầu như chẳng có ai đứng ra thẩm định xem trang phục của thí sinh, đặc biệt là trang phục “lấy cảm hứng” từ trang phục dân tộc có thực sự phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của người Việt hay chưa. Kể cả khi có những tranh cãi, những bức xúc từ dư luận, cơ quan được phân công đảm trách về các cuộc thi người đẹp vẫn “im re”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem