Khi “tú bà” và “hoạn thư” hội ngộ

Thứ tư, ngày 26/09/2012 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai nữ nghệ sĩ cải lương lão thành nhất Việt Nam, những người đã làm nghề và nổi danh từ trước khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thành lập, có cuộc hội ngộ đặc biệt.
Bình luận 0

50 năm đưa “Kiều” lên sân khấu

Họ là hai NSƯT: Đoàn Khánh Hợi (sinh năm 1923) và Trần Bích Được (sinh năm 1926), hiện là hai nữ nghệ sĩ lớn tuổi nhất của ngành cải lương nói riêng và sân khấu VN nói chung. Họ đã từng là ngôi sao nhiều năm trên sân khấu Hà Nội và các tỉnh thành lưu diễn.

img
NSƯT Bích Được vai Hoạn Thư (đang hóa trang tại rạp Chuông Vàng), bên đạo diễn NSND Sỹ Tiến tranh thủ nhắc nhở vai diễn trước khi ra sân khấu.

Vở “Kiều” (1962, Huy chương Vàng cho vở diễn và các diễn viên chính tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp lần thứ nhất) là mốc son, kỷ niệm chung trong cuộc đời nghệ thuật của thế hệ vàng, trong đó có 3 cặp vợ chồng: NSND Sỹ Tiến – Khánh Hợi, Tiêu Lang - Kim Xuân vào vai Kim Trọng và Thuý Kiều, vợ chồng NSƯT Trần Tuấn Sửu (1925-2000) - Bích Được nhận vai Từ Hải - Hoạn Thư.

Sáng 27.9, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) sẽ tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội.

Tác giả, đạo diễn vở là NSND Sỹ Tiến (1916-1982), người tham gia sáng lập Hội Nhà văn VN, Hội NSSKVN (1957). Ông là người đầu tiên đưa “Kiều” lên sân khấu, chuyển soạn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thành kịch bản mà toàn bộ lời thoại bằng thơ. Sinh thời, ông có nhiều bạn hữu là những tên tuổi nổi tiếng của giới văn nghệ nước nhà: Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Lưu Quang Thuận thường ghé tới ngôi nhà Sỹ Tiến ở gác 2 số 24 Lương Ngọc Quyến cùng nhau đàm đạo nghệ thuật.

Tối 25.9, NSƯT Khánh Hợi - nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất VN đã bay đi Pháp. Bà sống cùng con gái út – ca sĩ Lệ Quyên ở Paris, sát Tết Nguyên đán Quý Tỵ sẽ lại về. Suốt mấy chục năm thất lạc thông tin, bà Bích Được mới được gặp lại thầy mình, dù vẫn theo dõi qua báo chí, tv. Hành trình sân khấu cách mạng VN, sự nghiệp của bà và thế hệ bà, có một người đồng hành đặc biệt - GS Vũ Khiêu.

Ông không coi họ là học trò, mà thường xem như những người bạn. Mỗi khi có vở mới ở rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hà Nội) là ông thu xếp đến xem. Chiều Chủ nhật 16.9 vừa rồi, tôi may mắn được tháp tùng hai lão nghệ sĩ đến thăm GS Vũ Khiêu. Lúc cao hứng, hai trò lại “đổ” một câu hát, thoại đoạn tâm đắc cho thầy nghe. Dòng ký ức là ba nghệ sĩ giai lão như trẻ lại trong hồi ức 46 năm về trước.

Một thời tài danh

Đất nước chiến tranh, lớp đạo diễn sân khấu chọn lọc nghệ sĩ các tỉnh từ Quảng Trị trở ra, mỗi tỉnh 1 người, riêng Sài Gòn và Hà Nội được hai người mỗi thành phố. Hai diễn viên của Hà Nội từ Đoàn Cải lương Chuông Vàng là Khánh Hợi (43 tuổi), Bích Được (40 tuổi) theo học lớp đạo diễn mở ở nơi sơ tán Lạc Đạo, Hưng Yên. Giảng dạy sân khấu là GS - TS Nguyễn Đình Quang, đạo diễn Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi. GS Hồng Phong dạy Lịch sử. GS Vũ Khiêu dạy triết học, Mỹ học. Lớp còn có các diễn viên: Dịu Hương (chèo), Kim Sơn (kịch), Đàm Liên (tuồng)…

“Khánh Hợi là nữ nghệ sĩ độc đáo bậc nhất trong lịch sử cải lương Việt Nam: Một phụ nữ thủ toàn vai nam võ, lại đóng hay hơn nam giới”.

Hai nghệ sĩ, hai người mẹ, một người 8 con, một người 7 con, chăm chỉ học tập, dẫu rất vất vả giữa thời chiến, lại là con gái Hà Nội phải về nông thôn sống lam lũ, lao động tay chân… Rồi họ cũng vượt qua, tốt nghiệp bằng vở “Đêm Sài Gòn”, hai nữ đạo diễn cùng dựng từ kịch bản của Ngô Y Linh.

Sau giải phóng, “Đêm Sài Gòn” diễn ở Sài Gòn thật sự. Đây cũng là dịp tái ngộ với nhiều nghệ sĩ cải lương miền Nam đã từng ra Bắc lưu diễn: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Bảy Nam (mẹ của NSND Kim Cương) – cùng Sỹ Tiến đều được phong tặng NSND đợt 1 (1984).

NSƯT Khánh Hợi đã thủ những vai kinh điển mà không ai bì kịp - những vai diễn mẫu mực: Lã Bố, Đinh Tả, Đơn Hùng Tín, Võ Tòng, Trọng Thuỷ. Đóng đôi với bà thường là Kim Chung và Kim Xuân. Bà Bích Được thuộc týp phụ nữ cách tân, thạo nhảy đầm, chăm làm đẹp. Bà cho rằng: “Người nghệ sĩ phải giữ hình ảnh từ sân khấu đến ra đời thường”. Hơi không tốt, nhưng diễn lành nghề, bà được tác giả Sỹ Tiến thấu hiểu và ưu ái viết cho toàn thoại hầu như không phải hát. Và Hoạn Thư là vai diễn để đời của NSƯT Bích Được.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem