Khó “chỉ mặt đặt tên” nạn buôn người

Thứ năm, ngày 01/11/2012 13:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lần đầu tiên, 55 lao động đi làm việc ở nước ngoài được cho là nạn nhân của buôn bán người. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định của một tổ chức.
Bình luận 0

Trong khi đó về mặt pháp lý, những hành vi buôn bán người đó chưa bị “chỉ mặt đặt tên” và người thực hiện hành vi chưa bị truy cứu trách nhiệm...

Đó là trường hợp đang gây ra tranh luận gay gắt giữa đơn vị nghiên cứu là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ vị thành niên (CSAGA) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).

img
Đi XKLĐ theo con đường chính thống sẽ giúp người lao động tránh được bị mua bán, hành hạ... (Ảnh minh họa).

Nhiều cảnh đời khốn cùng

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA cho biết, đơn vị của bà vừa thực hiện khảo sát thực trạng và nhu cầu của người đi XKLĐ trở về tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình (báo cáo được công bố ngày 30.10). Trong số 350 lao động (LĐ) được khảo sát, có tới 55 LĐ được Trung tâm này cho rằng là nạn nhân của hành vi buôn bán người.

Cụ thể là trường hợp anh Nguyễn Văn Thi (Kim Bảng, Hà Nam) đi XKLĐ ở một nước Đông Âu. Anh Thi kể: “Chúng tôi phải làm việc 14 tiếng/ngày. Suốt một tháng trời chỉ ăn cháo hoa, cơm thì chỉ có món canh rau. Lúc đi làm cũng như nghỉ ngơi, chúng tôi đều bị nhốt trong những xưởng làm việc xập xệ”. Không chịu nổi cảnh giam cầm, anh gọi điện kêu cứu với người thân và may mắn được giải cứu trong một lần kiểm tra an ninh và được Đại sứ quán Việt Nam bảo lãnh về nước.

Tương tự, chị Nguyễn Thị L được đưa đi làm giúp việc tại Ả Rập Xêút. Tuy nhiên, khi sang tới nơi chị bị bán vào một nhà chứa. Do đã già và không biết “chiều” khách nên chị thường xuyên bị đánh đập dã man. Rất may, chị tình cờ gặp một cán bộ ngoại giao và được vị này cứu khỏi nơi giam cầm.

Kết quả khảo sát của CSAGA cho thấy, trong số 55 LĐ nói trên, số nạn nhân tại Lybia là cao nhất (20 người), Đài Loan là 17 người, còn lại là một số thị trường khác. Nhóm dễ trở thành nạn nhân mua bán người chủ yếu là nhóm trình độ học vấn thấp (chiếm 43,75%) và là nông dân. Phần lớn người làm thủ tục đi XKLĐ qua “cò” và môi giới, không giao dịch trực tiếp với công ty được phép đưa LĐ ra nước ngoài làm việc.

Cũng theo khảo sát của CSAGA, hầu hết LĐ đều bị thay đổi tiền lương, công việc, điều kiện sống và làm việc so với quy định trong hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Văn (CSAGA) – người trực tiếp làm các khảo sát nói: “Nhiều LĐ bị bóc lột trong quá trình làm việc, sinh sống ở nước ngoài, bị ép làm việc quá sức mà không được trả lương, bị phân biệt đối xử và bạo lực thể xác, tinh thần…”.

Về phía LĐ, họ hoàn toàn phụ thuộc vào người đưa đi, ngay cả khi có hợp đồng LĐ vì: “Hợp đồng dài, nội dung khó hiểu mà không được giải thích, thậm chí hợp đồng bằng tiếng nước ngoài, chúng tôi chỉ được ký trước lúc xuất phát 1-2 ngày nên không thể làm gì được”- anh Hoàng Văn Kỳ (Phù Cừ, Hưng Yên) nói.

Căng thẳng lý lẽ

Tuy nhiên, trước những thông tin và nhận định của CSAGA, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã phản bác. Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng cho rằng, nếu cứ theo báo cáo này thì “có lẽ Việt Nam phải đóng cửa thị trường XKLĐ mất”. Thực tế, theo ông Hải, việc đưa LĐ ra nước ngoài đã được luật hóa. Việt Nam có 172 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ và đã đưa hơn 500.000 LĐ đi làm việc trên 40 quốc gia với cách làm bài bản.

“Tôi cho rằng những con số thống kê trong khảo sát chưa mang tính đại diện và khó kết luận đó có phải là hành vi buôn bán người hay không. Tôi nghĩ tình trạng sai phạm, nợ lương… là có, nhưng thường xảy ra khi LĐ đi theo đường không chính thống”- ông Hải nói.

Trao đổi với NTNN, ông Trần Huy Liệu - quyền Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, Luật Phòng chống mua bán người đã gần như nội địa hóa hoàn toàn Nghị định thư về buôn bán người và sẽ là căn cứ để xử lý hành vi buôn bán người.
Tuy nhiên, hiện Bộ Công an mới đang soạn thảo văn bản xác định “thế nào bị coi là nạn nhân của buôn bán người”.

Về phía CSAGA, bà Vân Anh nói, theo định nghĩa trong Nghị định thư Palermo 2000 về buôn bán người của Liên Hợp Quốc: “Buôn bán người là quá trình tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người bằng cách thức đe doạ, hoặc bắt cóc lừa gạt, hay bằng việc cho và nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với người khác với mục đích bóc lột”.

Với định nghĩa này thì CSAGA cho rằng 55 LĐ được khảo sát có thể là nạn nhân của hành vi buôn người. Như vậy, cần truy cứu trách nhiệm của đơn vị, cá nhân gây ra hành vi ấy.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp thì cho rằng: “Nếu không đặt khảo sát, nghiên cứu trên nền tảng của pháp luật Việt Nam (Luật Phòng chống mua bán người, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) thì các khuyến nghị, vận động trở nên khập khiễng”.

Ông Trần Danh Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)- xã có nhiều LĐ đi làm việc ở nước ngoài nhất nước cho rằng, dù là lừa đảo hay buôn bán người thì thực trạng LĐ đi XKLĐ gặp nhiều cảnh khốn cùng đã xảy ra rồi và Nhà nước cần có biện pháp xử lý. “Đối với LĐ có thu nhập thấp, nghèo khổ khi bị bóc lột hay bạo lực họ không biết kêu ai. Khi không coi họ là nạn nhân thì không thể có cơ chế hỗ trợ và phòng ngừa phù hợp”- ông Hữu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem