Khó khăn “thập diện mai phục”, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 06/04/2019 14:15 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, ngay từ đầu năm 2019, rất nhiều yếu tố bất lợi đã tác động đến ngành nông nghiệp như dịch bệnh, hạn hán, giá cả giảm... nhưng ngành vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá.
Bình luận 0

Duy trì đà tăng trưởng

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành quý I.2019 ước đạt 2,69% so với quý I.2018; trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32%, thủy sản tăng 5,24%. GDP ngành nông nghiệp trong quý I ước đạt khoảng 2,68%.

img

Thủy sản là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản 3 tháng đầu năm 2019.    Ảnh: T.L

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương được cho là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con.

Với nỗ lực chống dịch không kể ngày đêm, hiện đã có 3 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) hơn 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (gạo, tiêu, điều, cà phê, sắn) giảm đáng kể về giá, dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thì hai điểm sáng là đồ gỗ và thủy sản đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn khả quan. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%.

Đáng chú ý, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong 3 tháng đầu năm 2019 cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỷ USD. Trong quý I, ngành thủy sản cũng tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ - là mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây.

Lý giải cho những thành tích vượt trội của ngành thủy sản và đồ gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, một là do năng lực sản xuất của chúng ta tăng lên rất nhanh, kể cả nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng trong nhiều năm qua cung cấp lượng gỗ lớn, nhiều cơ sở đầu tư chế biến sâu. Hai là, dù thị trường vẫn còn nhiều yếu tố gây trở ngại nhưng ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp giải quyết rất hiệu quả.

“Có thể lấy ví dụ với ngành thủy sản, cho đến thời điểm này, thẻ vàng của Ủy ban châu Âu chưa gây ách tắc gì đến thương mại. Đối với tôm, cá tra, dù Mỹ chưa công nhận đánh giá tương đương nhưng chưa ảnh hưởng” – Thứ trưởng Hà Công nói.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2019 đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 13,4%, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,5%, giá trị mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%... 4 thị trường chính nhập khẩu nông sản của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhận định, năm nay sẽ là năm khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đơn cử như với mặt hàng gạo, dù họ dự kiến nhập 5,3 triệu tấn gạo nhưng cũng sẽ xả kho dự trữ.

“Dù vậy, việc nhập khẩu gạo chất lượng cao từ Việt Nam và Thái Lan vẫn tiếp tục kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố danh sách 22 doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc, Indonesia công bố có lượng gạo dự trữ hết tháng 6, hy vọng việc xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc hơn” – ông Hòa nói.

Thúc đẩy những lĩnh vực có dư địa phát triển

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, trong cuộc họp giao ban của Bộ mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực có dư địa phát triển như lâm nghiệp, thủy sản, mặt hàng rau hoa quả...

Cụ thể, đối với lĩnh vực thủy sản, cần thúc đẩy phát triển cả lĩnh vực khai thác (hải sản, thủy sản) và nuôi trồng (hai đối tượng chính là cá tra, tôm). Bộ trưởng đánh giá, mặt hàng cá tra sẽ phát triển tốt trong năm nay, nhất là khi Công ty cổ phần Hùng Vương được xuất khẩu vào Mỹ với thuế suất bằng 0%.

Về lâm nghiệp, với các hiệp định đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU và các nước trên thế giới.

Cùng với đó, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Dự báo, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 có thể đạt 11 tỷ USD.

Năm nay lĩnh vực rau hoa quả cũng có nhiều dư địa tạo đột phá trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là khi một loạt các nhà máy chế biến lớn, hiện đại đi vào hoạt động. Bộ trưởng đánh giá, giá rau quả trên thế giới không giảm nhiều, trong khi đó Việt Nam lại có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, rồi công tác xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nên đây là lĩnh vực có tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem