Chương trình đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, nhưng khi triển khai cụ thể, việc dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Thái Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN
Phú Bình được coi là “vựa lúa” của tỉnh Thái Nguyên, nhưng sản phẩm lúa gạo nơi đây chưa trở thành hàng hóa phân phối rộng rãi, giá trị kinh tế không cao do sự manh mún của đồng ruộng, tư duy sản xuất của bà con nhỏ lẻ, lạc hậu, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa nhiều.
Đầu năm 2016, huyện Phú Bình quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hướng đến mỗi hộ gia đình chỉ có 1 - 2 thửa với diện tích bình quân 600 - 700m2/thửa trong vùng quy hoạch. Mục tiêu đề ra là mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất trung bình đạt khoảng 5,5tấn/ha và lựa chọn những giống lúa có chất lượng hiệu quả kinh tế cao.
Bà Lâm Thị Chung, xã Tân Đức, huyện Phú Bình cho biết, "sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa chúng tôi thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như cày bừa, chăm bón, gặt hái,…vào sản suất rất thuận tiện. Hệ thống kênh mương, đường nội đồng dần được triển khai đầu tư nên bà con rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước về dồn điền đổi thửa."
Tuy nhiên, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phú Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đào Xuân Hòa, xã Tân Đức, huyện Phú Bình sau khi dồn điền đổi thửa bà con thấy có ruộng tốt ruộng xấu nên có nhiều ý kiến khác nhau, rồi tranh cãi không lấy chỗ này, chỗ kia, rồi hệ thống hạ tầng thực hiện dang dở.
Ông Hòa cũng như các hộ dân trong diện thực hiện dồn điền đổi thửa mong muốn các đường ngang ngõ dọc, hệ thống mương máng, cống rãnh, san lấp hết mặt bằng các chuông, ao,…trong năm nay để thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp.
Hiện tại, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa có đề án riêng, mới chỉ là một nội dung trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn gặp nhiiều lúng túng, mò mẫm ở cấp cơ sở.
Đây là nguyên nhân khiến nguồn lực thực hiện hạn hẹp, thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng sản xuất, hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống xử lý rác thải chưa được xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung,… Do vậy, sau gần 2 năm triển khai đến nay, diện tích hoàn thành mới chỉ đạt 170ha bằng 75% mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề khó khăn cũng được huyện Phú Bình chỉ ra, như đơn vị tư vấn chưa có kinh nghiệm trong quy hoạch và sự phối hợp với chính quyền địa phương nên phải điều chỉnh nhiều lần mới có được sự đồng tình từ phía người dân. Đội ngũ cán bộ mới thực hiện lần đầu nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn; đặc biệt là thiếu hướng dẫn của cấp trên và kinh phí thực hiện.
Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình kiến nghị, huyện Phú Bình được chọn làm điểm nên còn hơi lúng túng, tỉnh Thái Nguyên và các sở ngành cần ban hành cơ chế nhanh, hướng dẫn cụ thể để cho cấp huyện, xã có cơ sở thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đã trực tiếp về cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát lại những văn bản có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dồn điền đổi thửa để sớm tham mưu cho tỉnh ra văn bản chỉ đạo về công tác dồn điền đổi thửa. Với quyết tâm cao của huyện Phú Bình và sự đồng lòng của người dân, chương trình dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại huyện Phú Bình sẽ thành công và là điểm sáng để nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh./.
Quân Trang (TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.