Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài cuối)
Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài cuối): Cần quy hoạch phù hợp từng vùng sản xuất
Trần Quang
Thứ bảy, ngày 28/08/2021 17:00 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam có nhiều vùng nông sản khác nhau nên việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất không thể tự phát như hiện nay.
Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng hệ thống kho lạnh lại chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nên mặt hàng này xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, tươi sống là chính.
Những bất cập này càng trở nên nổi cộm khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương. Việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn, trong khi hệ thống bảo quản yếu càng gây áp lực lên thị trường.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có 48 kho lạnh bảo quản nông thủy sản với công suất đạt khoảng 700.000 pallet. Ngoài ra có hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước tính đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là xuất khẩu.
Do số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhiều kịch bản tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng đến giải pháp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông...
Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực ĐBSCL.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Việt Nam là cần kho lạnh cỡ nhỏ cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng như vải thiều, thanh long, nhãn… Các vùng chuyên canh sản xuất cần có sự đầu tư kho lạnh.
Tuy nhiên, hiện nay HTX tiếp cận vốn sản xuất đã khó khăn thì việc tiếp tận vốn để đầu tư kho lạnh càng cực kỳ khó khăn. Kho lạnh liên quan đến kỹ thuật và vận hành, nếu Nhà nước hỗ trợ thì nên với hình thức công - tư kết hợp.
Ông Đào Thế Anh cho biết thêm, hiện các chính sách thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch, bảo quản vẫn còn chung chung. Không chỉ cần riêng kho lạnh để bảo quản mà cần cả chuỗi lạnh trong sản xuất và tiêu thụ. "Nhà nước cần có đề án, chiến lược cấp quốc gia để phát triển khâu hậu cần phục vụ cho xuất khẩu nông sản và thực hiện điều này cần có sự phối hợp của liên bộ" - ông Đào Thế Anh đề nghị.
Các chuyên gia cho rằng, khi một chuỗi sản xuất không được đầu tư ngay từ ban đầu thì sẽ rất khó phát triển. Còn doanh nghiệp làm theo tính chất thời vụ thì rất khó đáp ứng được nhu cầu khi có sự bùng nổ nguyên liệu vào một thời điểm. Giá trị đầu tư loại hình này rất lớn. Câu chuyện logistics là câu chuyện đi cùng nhiều khâu vận hành, chứ logistics không thể phát triển trước.
Ông Phạm Văn Phong - lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến khá lớn ở miền Trung kiến nghị: Nhà nước cần định hướng và hỗ trợ cơ chế để nông dân và doanh nghiệp đến với nhau. Với doanh nghiệp có đủ năng lực thì họ vẫn chưa thấy tiềm năng đầu tư nếu sản phẩm vẫn mang tính chất mùa vụ. "Đây là vấn đề quy hoạch vùng sản xuất và sự vào cuộc của ít nhất ba bộ, ngành là công thương, giao thông và nông nghiệp" - ông Phong nói.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định: Hiện nay kho lạnh của chúng ta quá ít và quá yếu. Để giải quyết được vấn đề này, việc đầu tiên cần làm là Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phải xác định được 11 tỉnh và 5 vùng nguyên liệu chủ lực về xuất khẩu để quy hoạch các kho lạnh cho phù hợp với các vùng sản xuất, từng loại cây. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư làm kho lạnh.
Ông Thủy nhấn mạnh: "Nếu không có quy hoạch, không có chính sách ưu tiên, không có vốn của Nhà nước hỗ trợ thì khó mà xây dựng được niềm tin để doanh nghiệp hướng vào việc đầu tư kho lạnh".
Thứ 2 là Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phải ngồi lại bàn với nhau để đưa ra cơ chế hoạt động cho kho lạnh và kho trữ. Hiện nay, việc thu hoạch theo mùa vụ của Việt Nam rất khổng lồ nhưng công nghiệp chế biến của mình lại thấp. Thực trạng này dẫn đến việc lưu trữ nông sản quá lâu khiến doanh nghiệp khó có đủ lực chi trả chi phí tiền điện, thuế đất, nhân công. Chính vì thế, khi có cơ chế này thì các doanh nghiệp sẽ không bị rủi ro và họ sẽ đi cùng với các vùng nguyên liệu.
Thứ 3 là các tỉnh thành phải bố trí đất, hỗ trợ mặt bằng, thuế đất để các doanh nghiệp làm kho lạnh. Nếu cứ để doanh nghiệp thỏa thuận với dân thì chi phí đầu tư đất, hệ thống kho và thuế đất thì sẽ càng gây khó khăn làm cho các doanh nghiệp nản lòng, không đầu tư làm kho lạnh.
Thứ tư, các địa phương, Hội Nông dân phải tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao và ký kết bao tiêu theo hợp đồng với các các doanh nghiệp, kho lạnh mới mang lại hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.