Khổ nạn

Thứ năm, ngày 27/01/2011 15:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tàu tăng toa, máy bay tăng chuyến, ô tô tăng xe... nhưng đến hẹn lại lên, năm nào những người dân tha hương trở về quê cũng phải chịu nạn. Những người chậm chân, nhất là những người nghèo muốn tiết kiệm tiền bạc, sẽ phải chịu cảnh xe nhồi, xe tù trên những chiếc xe ọp ẹp, quá đát mà kỷ lục về sự nhồi nhét năm nào cũng bị phá.
Bình luận 0

Trước Tết, hàng chục vạn người khốn khổ để ra Trung, về Bắc. Sau Tết, cũng hàng chục vạn người đó thêm một lần khốn khổ về "vô Nam". Chưa lo xong cái lo ra Bắc đã liền đến cái lo vô Nam.

Khi cả chục vạn người cùng có nhu cầu đi lại, vào cùng một thời điểm, áp lực vận tải tất nhiên sẽ xảy ra. Nhưng ngẫm cho cùng, khi “cò” vé vẫn lộng hành, bất chấp quy định bán vé theo chứng minh thư, bán vé qua mạng thì sự sốt, sự thiếu, sự đắt lại là cái cớ hợp lý cho nạn chặt chém của đội ngũ “cò” vé tràn ngập các bến tàu, bến xe.

Năm nay, nhà tàu bắt buộc phải chính chủ chứng minh thư mới được lên tàu, “cò” vé khó làm ăn hơn, nhưng cũng chính vì thế, tiền công mua vé lại chém ác liệt hơn, bởi không phải ai có chứng minh thư cũng mua được vé. Một điều tra trên báo chí công bố: "Tiền công mua vé" năm nay đã lên đến 250.000 đồng.

Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn ít mới đây đã tuyên bố tung 80% số vé tàu Tết lên mạng để hành khách chọn mua, nhưng không rõ bao nhiêu người đã mua được vé qua mạng. Bởi nghe thủ tục đã thấy rối, lên được web của nhà tàu thì "nghẽn mạng toàn phần", huống chi không ít hành khách còn không biết cái mạng Internet là cái mạng gì.

Đến giờ, có thể nói thẳng là "sáng kiến" bán vé qua mạng hoàn toàn không phù hợp với những "hành khách cuối năm". Nhiều người đặt câu hỏi là vì sao nhà tàu không áp dụng hình thức đơn giản hơn rất nhiều, chẳng hạn chủ động bán vé tại các khu công nghiệp, vừa đảm bảo đúng đối tượng, vừa tránh được sự quá tải. Hay bởi họ còn chưa dứt được cái tâm lý của những người nắm cái mà người khác cần, còn chưa xóa cái tâm lý độc quyền kiểu mậu dịch vẫn còn quá nặng nề?

Không muốn nhưng nhiều người buộc phải đưa tiền cho “cò”. Người khác thì chấp nhận phiêu lưu tính mạng trên những chuyến xe đò chạy dọc đất nước đầy bất trắc, chấp nhận khả năng bị mua đi bán lại, bị “chặt chém” tiền cước...

Đến bao giờ thì khổ nạn tàu xe chấm dứt? Bao giờ thì người dân mới có được cái tâm, cái thế thanh thản trở về nhà mỗi dịp cuối năm. Có lẽ, còn lâu lắm mới có câu trả lời bởi vì ngay cả dự án đường sắt cao tốc có được tiến hành, thì đó cũng chỉ là phương tiện mơ ước của hàng vạn người làm thuê trở về nhà mỗi cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem