Tại Việt Nam, tính pháp lý của “hối lộ tình dục” lần đầu tiên được đặt ra tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 1999” (do Ban Nội chính T.Ư tổ chức tháng 10.2014) đã ngay lập tức khiến dư luận quan tâm. Khi đó, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh đã khẳng định, dù ở Việt Nam hình thức hối lộ này mới chỉ được phản ánh thông qua báo chí và văn học, nhưng “đó là nguồn tin khá tin cậy, phản ánh thực tế cuộc sống”. Qua chiều dài thời gian, sử sách cũng ghi chép không ít trường hợp “hối lộ tình dục” mà điển hình nhất có lẽ là câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn dâng nàng Tây Thi cho Ngô Phù Sai. Vì chìm đắm trong sắc đẹp chết người này, Ngô Phù Sai đã mất cảnh giác dẫn đến cảnh nước mất, nhà tan. Vì thế mới có câu “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.
Cơ sở để định lượng mức độ của hành vi “hối lộ tình dục” sẽ gây khó cho cơ quan chức năng
Và báo chí hôm nay vẫn thấp thoáng những tin cán bộ, quan chức tỉnh nọ, ngành kia vào nhà nghỉ, khách sạn với “đương sự”. Đó phải chăng là manh nha của hành vi “hối lộ tình dục”?
Nhưng, như băn khoăn của nhiều người, cơ sở để định lượng mức độ của hành vi “hối lộ tình dục” sẽ gây khó cho cơ quan chức năng. Rất khó dựa vào số lần hay số người được “hối lộ tình dục” để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi này và định khung hình phạt tương ứng. Không những vậy, việc phát hiện “hối lộ tình dục” còn nan giải gấp bội so với hối lộ bằng vật chất. Đơn giản vì nó là “phi vật chất”, quá nhạy cảm, ranh giới giữa tình cảm và vụ lợi quá mong manh…
Tuy nhiên, điều đáng sợ là hậu quả nó gây ra thì không kém những vụ hối lộ vật chất. Đó có thể là một dự án trị giá hàng triệu USD rơi vào tay một nhà thầu năng lực yếu, một vị trí cao ngoài tầm “đương sự”, một hồ sơ vụ án bị làm sai lệch. Thậm chí cả những bí mật quốc gia cũng có thể bị lấy cắp.
Dù có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, rõ ràng việc luật hóa hành vi “hối lộ tình dục”, như nhiều nước đã và đang nỗ lực tiến hành, là một vấn đề hết sức cần thiết với Việt Nam. Bởi luật pháp được xây dựng với mục đích chính là phòng ngừa và ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra. Nếu không, công cuộc phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng sẽ luôn ở thế bị động và không thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.