Phóng viên
NTNN đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Xuân Tùng của VTV - người góp phần đưa kho phim quý về Việt Nam.
Dịp may hiếm cóĐể làm Chương trình “Ký ức Việt Nam”, VTV đã mua bản quyền sở hữu những thước phim màu về đất nước, con người Việt Nam những năm 1964-1981 từ các nhà làm phim Nhật Bản. Anh phát hiện những tư liệu quý giá này như thế nào?Một hình ảnh trong tư liệu phim của Hãng NDN.
- Việc mua bản quyền là một việc hết sức tình cờ, vào năm 2006, tôi có chuyến công tác sang Nhật Bản. Trước đó, được nghe giới thiệu về một hãng phim nhỏ nhưng đã hoạt động ở Việt Nam rất lâu có tên là Nihon Denpa News (NDN), nên tôi đặt lịch làm việc với họ, mục đích là sang thăm xã giao và xem có cơ hội hợp tác nào đó về nghề nghiệp. Tôi vô cùng ngạc nhiên, ấn tượng khi thấy hành lang của hãng phim đó treo rất nhiều những poster, ảnh về Việt Nam. Khi tôi hỏi, họ cho biết, họ có hẳn một kho phim màu về Việt Nam trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước. Tôi đã suy nghĩ và nhận thấy đó là một tư liệu vô giá mà không bao giờ mình có thể làm lại được, còn nếu nhìn theo góc độ văn hóa thì đây là một tài sản mang tính lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Trở về Việt Nam, tôi báo cáo với lãnh đạo VTV, và sau 4 năm đàm phán về bản quyền, VTV đã mua độc quyền vĩnh viễn kho phim vào năm 2010. Toàn bộ phim gốc (gồm 1.500 đầu phim với 6.000 phút phim) đã được mang về Việt Nam. Một điều may mắn cho VTV là hãng phim của Nhật đã không đặt nặng vấn đề vật chất, kinh tế, chính vì thế mà khi chuyển giao kho phim này, mọi thứ thật suôn sẻ và Hãng phim NDN đã không có bất cứ yêu cầu gì khi trao độc quyền cho VTV. Sau 2 năm biên tập, VTV quyết định cho ra mắt khán giả.
Nội dung chính của những thước phim đó là gì?- NDN là một hãng phim của Đảng Cộng sản Nhật Bản, họ đã sang Việt Nam theo lời mời của Chính phủ Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 1960, và cho đến hiện tại họ vẫn có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đội ngũ quay phim của họ quay tất cả những gì họ nhìn thấy. Họ quay về đời sống của người dân, từ ngày này sang năm khác, trong vòng 17 năm. Khán giả có thể nhìn thấy cảnh đi xếp hàng mua đồ thời bao cấp, đến những cảnh khai giảng năm học mới của các em, tết trung thu, và đặc biệt là cảnh ngày người dân Hà Nội ăn mừng đất nước hoàn toàn giải phóng vào 30.4.1975.
Xây dựng lại những thước phim tư liệu của NDN thành các phim độc lập để phát sóng trong “Ký ức Việt Nam”, chắc các anh gặp nhiều khó khăn đáng kể?
- Đầu tiên phải kể đến khó khăn về mặt kỹ thuật, hiện nay ở Việt Nam đã không còn tồn tại hệ thống xử lý phim nhựa 16mm, các phim ở rạp là những phim tiêu chuẩn 35mm. Vì thế chúng tôi phải chuyển những thước phim này sang một kiểu định dạng khác để dựng thành phim, riêng việc đó đã là cả một chu trình rất dài.
Khó khăn tiếp theo, có những thước phim hoàn toàn mất tiếng. Xem một bộ phim câm khiến ta vô cùng khó chịu, không hiểu điều gì đang xảy ra ở đoạn phim này. Một điểm nữa là những thước phim này hoàn toàn không có lý lịch băng, với 6.000 phút mà không hề có chú giải nội dung. Điều ta thấy được là chủ đề thông qua những hình ảnh mà họ quay.
Tìm lại các nhân chứngĐược biết trong Chương trình “Ký ức Việt Nam” có sự xuất hiện của rất nhiều nhân chứng có mặt trong phim tư liệu của NDN?
“Ký ức Việt Nam” là những thước phim màu hiếm hoi, ghi lại không chỉ hoạt động chính trị, xã hội mà còn cả văn hóa, đời sống... của người dân miền Bắc từ thời kỳ chi viện cho miền Nam, tới lúc đất nước hòa bình. Chương trình được phát sóng vào 21 giờ 50 trên kênh VTV1 từ thứ 2 đến thứ 5, và 11 giờ 50 trên VTV3 từ thứ 3 đến thứ 6, bắt đầu từ ngày 19.8 tới.
|
- Với ý tưởng của chương trình, chúng tôi sẽ đi tìm những nhân vật đã xuất hiện trong những thước phim đó để cùng họ nhớ về chuyện cũ. Với 1.500 đầu phim, chúng tôi dự kiến chọn ra 208 tập phim tiêu biểu để làm phim trong năm đầu tiên. Số lượng nhân vật gặp gỡ và để xây dựng sẽ không ít, đồng thời sẽ rất mất thời gian.
Bởi có những người ở thời điểm đó có thể họ không còn hoặc đã quá già không thể nhớ, nên chúng tôi luôn luôn phải có một đội ngũ chuyên gia, cố vấn, cộng tác viên… Ví dụ thước phim 3 phút nói về ông Fidel Castro sang thăm Hà Nội năm 1973, chúng tôi đã phải xem rất kỹ và mất 3 tuần để tìm thấy ông Nguyễn Đình Bin (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), khi đó là phiên dịch cho Fidel Castro.
Hiện tại êkíp đã thực hiện được bao nhiêu tập phim?-Đến thời điểm này chúng tôi đã biên tập được 15% số thước phim và có thể nói là đủ để phát sóng an toàn. Mỗi tập là một chủ đề và qua từng tập khán giả có thể tìm thấy những mảnh ký ức mà nói theo kiểu của nhà văn Nguyễn Quang Lập là những “ký ức vụn” như ăn bánh tôm ở hồ Tây như thế nào, Quốc khánh 2.9.1973 ra sao, chuyện đi chợ, trồng rau, chế tạo phụ tùng xe đạp, đám cưới những năm 1970, chuyện sơ tán…
Với những tập phim đã dựng xong, hẳn có những câu chuyện khiến anh rất xúc động?-Với tôi, sau khi xem hết 6.000 phút phim, điều khiến tôi cảm nhận được đó là sự thú vị. Bởi có rất nhiều những hình ảnh, không gian của Hà Nội tưởng chừng không bao giờ mình biết đến thì ngay bây giờ mình được xem lại, được nhìn thấy. Chúng tôi khẳng định rằng, chương trình sẽ giữ nguyên tính trung thực, cũng như sự nhất quán, mặc dù câu chuyện đã xảy ra cách đây 40 năm.
Xin cảm ơn anh!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.