Nhưng họ cũng bị phải chịu đựng cái “nạn” các bình luận viên (BVL) các trận đấu nói nhiều, nói dài, nói dại.
Các trận đấu được truyền hình trực tiếp cố nhiên là có người bình luận trên sóng. Công bằng mà nói các BLV là những người khá am hiểu bóng đá, có tích lũy kiến thức về trái bóng tròn, về các đội bóng và cầu thủ. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ. Nghe các BLV bóng đá nước ta nói theo các trận đấu vừa qua ở WC, mà theo tôi quan sát thì ở các trận đấu quốc tế khác cũng vậy, thấy có mấy điểm khiến người xem truyền hình bực mình, chán ngán.
Họ bình luận trận đấu nhưng không bám sát trận. BLV ngồi trước màn hình cũng xem trận đấu diễn ra được tường thuật trực tiếp như các khán giả khác. Và họ phải xác định nói cái gì mà khán giả quan tâm. Trái bóng đang lăn, diễn biến trên sân biến động từng giây, họ không được phép cứ nói dông dài những kiến thức đâu đâu để khi có tình huống trận đấu xảy ra thì họ không kịp nói ngay, mà cứ theo mạch nói của mình cho hết rồi mới quay lại pha bóng đó, tình huống đó. Thế là gây ức chế cho người xem truyền hình. Chưa kể, có những bàn thắng, pha phạm lỗi rõ mười mươi, ai xem cũng thấy, vậy mà BLV vẫn nói sai, nói chệch, để rồi sau đó lại phải đính chính.
Họ nói quá nhiều, quá dài những điều không cần thiết cho việc bình luận một trận đấu, làm phân tán sự chú ý của khán giả, khiến họ mất tập trung vào diễn biến của trận đấu, nhất là những trận căng thẳng, kịch tính. Chính vì nói dài, nói dai, nên các BLV bị sa vào nói dại, nói những câu hớ hênh, vô nghĩa, khó chịu.
Tóm lại, bình luận bóng đá là bình luận trận đấu, mà mỗi trận là một khác, do đó BLV giỏi là người phải biết bám sát trận đấu, nói ra được cái hay cái riêng của từng trận, làm sao cho người xem cũng gián tiếp như anh nhưng nhờ anh là BLV mà thấy trận đấu gần hơn, cụ thể hơn, và qua đó hiểu và thích bóng đá hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.