Khó tìm vốn đảo nợ, một số doanh nghiệp bất động sản nguy cơ “vỡ” trái phiếu doanh nghiệp
Khó tìm vốn đảo nợ, một số doanh nghiệp bất động sản chưa “thoát” nguy cơ “vỡ” trái phiếu doanh nghiệp
Nhật Minh
Thứ tư, ngày 21/09/2022 08:34 AM (GMT+7)
Vấn đề dài hạn của thị trường trái phiếu sẽ được xử lý dần dần bởi Nghị định 65 vừa ban hành, song trước mắt ngày đáo hạn của hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu đang tới gần. Theo các chuyên gia, vẫn sẽ có hiện tượng doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay vốn và cơ cấu lại nợ.
Thống kê của FiinGroup cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sụt giảm, chỉ đạt 9.400 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó.
Riêng trong tháng 8, chỉ có 19 đợt phát hành 8, chưa tính 3 lô trái phiếu phát hành không thành công của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam.
Sau Nghị định 65, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tìm vốn đảo nợ qua kênh trái phiếu
Trong khi việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa trở về với quỹ đạo trước đây sau "sự cố" Tân Hoàng Minh, nhưng áp lực thanh toán trái phiếu đang trở thành vấn đề khiến không ít ông chủ doanh nghiệp "đau đầu".
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2024 có gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Riêng năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng (43,2% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản).
Trong khi năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271,4 và 329,5 nghìn tỷ đồng.
Chỉ tính riêng ngành bất động sản, áp lực đáo hạn TPDN tính riêng trong năm nay đạt 35,56 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 – theo số liệu từ FiinGroup.
Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.
Trong khi đó, một đặc điểm của thị trường trái phiếu Việt Nam là phát hành mới trả nợ cũ. Mặc dù, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ("Nghị định 65") sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được chính thức ban hành vào ngày 16/9/2022, vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó.
Các chuyên gia dự báo, quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường TPDN đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Đồng thời, dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi Thông tư 16, Thông tư 39, và tiếp theo là Nghị định 65.
Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới cũng sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như bất động sản.
Ngoài các điều kiện trên, các doanh nghiệp muốn phát hành TPDN riêng lẻ ra thị trường sẽ chịu thêm nhiều ràng buộc khác về trách nhiệm công bố thông tin.
Cụ thể, khoản 1 Điều 13 sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án phát hành cần bổ sung các chỉ tiêu tài chính trong 3 năm liền kề và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có), bao gồm tối thiểu 15 chỉ tiêu thay vì chỉ 5 chỉ tiêu ở Nghị định 153 trước đây.
Ngoài ra, Nghị định có sửa đổi và bổ sung khoản 2 Điều 21, yêu cầu các doanh nghiệp phát hành phải báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm với UBCK về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ và được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện; báo cáo tình hình thực hiện các cam kết với người sở hữu trái phiếu.
Nguy cơ "vỡ" trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu?
Trên thực tế, thị trường TPDN đã trải qua giai đoạn trầm lắng kể từ đầu quý II đến nay sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh. Nghị định 65 sẽ phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, quy mô phát hành TPDN sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Hơn nữa, với các quy định hồ sơ chào bán và phương thức phát hành chặt chẽ hơn trước rất nhiều, do đó chỉ những doanh nghiệp có năng lực và hồ sơ minh bạch, và bởi vậy vẫn sẽ có hiện tượng doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay vốn và cơ cấu lại nợ, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản có chất lượng tài sản kém.
Thừa nhận, vấn đề dài hạn của thị trường trái phiếu sẽ có Nghị định 65 (sửa đổi bổ sung Nghị định 153) xử lý dần dần, song trước mắt ngày đáo hạn của hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu đang tới gần. Trong khi đó, việc bán bất động sản là tài sản đảm bảo bây giờ không phải dễ. Do đó theo TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, thanh khoản cho thị trường rất quan trọng.
Ngoại trừ Tân Hoàng Minh, đến nay, chưa có trường hợp trái phiếu doanh nghiệp nào vỡ nợ. Tuy nhiên, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp không sớm được cải thiện, tiếp tục bị đứt đoạn, rủi ro vỡ nợ trái phiếu đối với một số doanh nghiệp bất động sản là rất lớn.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện có thực trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau ghê gớm. "Qua trao đổi, tôi thấy doanh nghiệp cho biết doanh thu 1.000 tỷ có khi bị chiếm dụng vốn 700 tỷ. Trong khó khăn có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là một trong những biện pháp", ông Nghĩa nói thêm.
Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lại đặt vấn đề, các ngân hàng đã giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch, với số trái phiếu sắp đáo hạn có nên như thế không?
Bàn về vấn đề này, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quan trọng cần có dẫn đường của Chính phủ, ứng xử với các vấn đề này. Đối với vấn đề trước là đối diện với giai đoạn đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp, phải tính đến giải pháp xử lý "không thô bạo, có lộ trình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.