Khó tin: Cấp cây sa nhân giống cho hộ nghèo với giá cao gấp 5 lần

Vinh Duy Thứ hai, ngày 11/12/2017 13:09 PM (GMT+7)
Năm 2017, huyện Mường Nhé (Điện Biên) trồng thử nghiệm 50ha cây sa nhân tím tại 4 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng. Dự án do các xã làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là cây sa nhân giống cấp cho người dân có giá “trên trời”, cao gấp 5 lần so với bán tại các trại cây giống.
Bình luận 0

Cấp giá trên trời, Phòng NN&PTNT không hay biết?

Thực hiện dự án, 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng của huyện Mường Nhé tiến hành trồng thử nghiệm 50ha cây sa nhân tím vào trung tuần tháng 9.2017. Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá cây giống mà các đơn vị cung ứng cấp cho người dân lên đến 15.000 đồng/cây, cao gấp 5 lần so với giá bán tại các trại giống. 

Mỗi xã được cấp 640 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua cây sa nhân giống từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

img

Cây sa nhân tím được cấp cho người dân tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Ảnh: V.D

Làm việc với phóng viên Dân Việt, ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé khẳng định: Việc thẩm định giá cây sa nhân giống, huyện không làm vì trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có đơn vị nào sản xuất loại cây này. Việc thẩm định giá do Công ty Cổ phần dịch vụ Thẩm định giá Việt Nam, có địa chỉ ở Hà Nội thẩm định. Do các xã làm chủ đầu tư, nên việc cung ứng, thẩm định giá đều do các xã làm, Phòng Nông nghiệp chỉ là cơ quan chuyên môn, vì vậy việc cấp cây cho người dân với giá cao hay thấp, đơn vị không nắm được.

Trên thực tế, người dân các xã được hưởng dự án cũng không biết chính xác giá của cây sa nhân là bao nhiêu. Người dân chỉ được thông báo đi nhận cây giống về trồng. Chị Sùng Sé Pa, bản Sín Thầu, xã Sín Thầu cho biết: “Giữa tháng 9, tôi được xã thông báo đến nhận cây sa nhân về trồng. Nhà tôi được cấp hơn 1.000 cây nhưng giá 1 cây bao nhiêu tiền tôi không được biết. Hôm nay nghe cán bộ nói giá 15.000 đồng/cây thì cao quá”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu khẳng định: “Năm 2017, xã Sín Thầu tiến hành trồng 29ha cây sa nhân tím. Thời điểm cấp cây giống xã thống nhất với đơn vị cung ứng là 15.000 đồng/cây, tuy nhiên xã chưa ký hợp đồng với đơn vị cung ứng. Lý do chưa ký hợp đồng là do ngày 26.10.2017, Hội đồng Thẩm định giá của huyện Mường Nhé mới có thông báo kết luận thẩm định giá, vì thế chúng tôi đang thương thảo lại hợp đồng với nhà cung ứng”.

img

Gia đình chị Sùng Sé Pa được cấp hơn 1.000 cây sa nhân nhưng mấy tháng qua, chính chị cũng chưa được biết giá mỗi cây là bao nhiêu tiền. Ảnh: Vinh Duy

Về việc giá cây sa nhân tím cao so với giá thực tế, lãnh đạo các xã đều khẳng định do trên địa bàn không có đơn vị làm giống cây này nên không biết giá. Giá đều do Công ty Cổ phần dịch vụ Thẩm định giá Việt Nam thẩm định và cung cấp bằng Chứng thư thẩm định giá cho các xã. Dựa trên Chứng thư thẩm định giá này mà các xã tiến hành lựa chọn nhà cung ứng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, tại Trung tâm Giống cây trồng vườn ươm Bắc Bộ tại Tam Đảo, có bán cây giống sa nhân tím với tiêu chuẩn cây trong bầu, cao trên 20cm, giá bán 2.600 đồng/cây. Đại diện Trung tâm cũng khẳng định sẽ cung cấp cây giống đến tận địa phương và bảo hành cây giống theo đúng quy định của hợp đồng kinh tế đã được 2 bên ký kết.

Cấp vội vã cây giống vào mùa khô

Điều ngạc nhiên là việc cung ứng cây giống cho các xã được thực hiện dồn dập vào đầu mùa khô. Lý giải việc này, ông Trịnh Duy Đáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết, vì huyện mới có chủ trương trồng thử nghiệm cây sa nhân tím, nếu các xã trong dự án không triển khai thì sẽ hết năm, nguồn vốn sẽ bị cắt.

Ông Đáp còn lý giải năm nay mưa kéo dài nên việc trồng vào giữa tháng 9 không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tuy nhiên chính vì việc trồng vào đầu mùa khô mà qua kiểm tra tại xã Leng Su Sìn, chỉ có khoảng 40 - 45% số cây sống.

img

Do cấp giống vào đầu mùa khô, vì thế tỷ lệ cây sống tại xã Leng Su Sìn rất thấp, chỉ đạt 40 - 45%.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cũng khẳng định việc cấp cây giống vào tháng 9 là không đúng theo quy trình trồng cây lâm nghiệp. Nhưng do chủ trương của huyện quá gấp, nếu không triển khai thì nguồn vốn sẽ bị cắt, người dân sẽ chịu thiệt.

"Để khắc phục nhược điểm trồng vào đầu mùa khô, chúng tôi đã yêu cầu các hộ phải trồng dưới tán rừng để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Năm nay mùa mưa cũng kéo dài sang đến tháng 11, qua kiểm tra, tỷ lệ cây sống của xã Sín Thầu đạt trên 80%" - ông Phan cho hay.

Dân Việt sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem