Khó tin trước phán xét thiển cận với nạn nhân xâm hại tình dục

Diệu Linh Thứ tư, ngày 15/03/2017 07:01 AM (GMT+7)
Tại buổi toạ đàm: “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” do các tổ chức xã hội thực hiện chiều 14.3, blogger Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại thương chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người đi từ kinh ngạc đến tức giận.
Bình luận 0

Bà kể khi bà viết bài đăng trên facebook bày tỏ sự phẫn nộ của mình đối với tội ác xâm hại tình dục trẻ em, bà nhận được nhiều lời ủng hộ, chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến bà đi từ kinh ngạc đến tức giận là bà đã nhận được nhiều phản biện “kinh hãi” trách móc người mẹ có con bị xâm hại. Thậm chí có người còn viện dẫn các nghiên cứu để chứng minh rằng: Việt Nam có truyền thống chấp nhận ấu dâm???

img

Bà Hoàng Ánh là một blogger tích cực với nhiều chia sẻ phản đối bạo lực giới.

Bà Hoàng Ánh kể, có một bạn nam đã chat với bà rất lâu về để xỉ vả người mẹ có con bị dâm ô ở Vũng Tàu. Bạn ấy cho rằng người mẹ đó đã vô trách nhiệm vì đã để con xuống sân chơi một mình. Bà thực sự bực mình. Vì làm sao cha mẹ có thể trông coi một đứa trẻ 24/24h. Và nếu có đứa bé bị bố mẹ đeo bám từng giờ từng phút thì đời cháu sẽ rất bất hạnh.

Điều thứ 2 mà bạn ấy trách mắng là người mẹ đó đã không có kỹ năng để lưu lại các dấu vết khi con bị xâm hại. Nhưng ở đời nào ai đã có kinh nghiệm khủng khiếp đó để có cách xử lý minh mẫn ngay. Hơn nữa, người mẹ này cũng chỉ phát hiện ra khi vài hôm sau con giật mình quấy khóc lúc nửa đêm, chị gặng hỏi và lúc đó con mới nói.

Bạn nam đó cũng lên án, cho rằng một người mẹ chân chính sẽ không đời nào công khai chuyện ô nhục như vậy để đứa bé bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứ chôn vùi nỗi đau để đứa trẻ một mình chịu đựng, tâm lý suy sụp thì sẽ tốt hơn?. Đồng thời, bạn đó vẫn cho rằng người mẹ đeo đuổi tố cáo kẻ dâm ô con mình là vì muốn kiếm chác gì đó.

Một facebook cơ khác còn tận tình gửi cho bà Hoàng Ánh một bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, nói rằng thực tế Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là cho đến thế kỷ 20 chúng ta vẫn chấp nhận ấu dâm (???). Bạn ấy viện dẫn rằng trước đây trẻ con được gả từ khi 12-13 tuổi, ngay cả Việt Nam vẫn còn tảo hôn. Và bạn ấy cho rằng chỉ khi chúng ta bị Pháp, Mỹ xâm lược thì mới đem tư tưởng phương Tây vào và bài xích ấu dâm…

“Tôi kể những câu chuyện đó ra đây để thấy rằng, trong chúng ta vẫn còn có người suy nghĩ rằng chuyện ấu dâm là chuyện tự nhiên và nếu như trong vụ xâm hại tình dục trẻ em nếu hai bên đồng thuận thì có làm sao. Văn hóa là thứ chậm thay đổi gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xử lý các vụ việc”-– bà Hoàng Ánh cho biết.

img

Sợ bị chỉ trích, nhiều nạn nhân bị xâm hại tình đành im lặng.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng nhận định, nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục đành im lặng vì sợ các định kiến ác ý như vậy. “Tôi đã đọc nhiều comment bình luận về các vụ xâm hại tình dục như “cháu bé 8 tuổi đã phổng pha như thiếu nữ thiếu nữ” hoặc “cháu đó bạo dạn thế, người lạ mà cũng sà vào lòng… Họ bình luận như vậy với mục đích gì. Phải chăng ngầm cho rằng vì như thế nên cháu mới bị xâm hại?” – TS Hồng chia sẻ.

Theo TS Hồng, nạn nhân và gia đình họ không dám nói bởi vì nhiều người trước đó đã phải trả giá quá đắt. Tương lai cả gia đình của nạn nhân, từ sinh kế đến danh tiếng có thể bị hủy diệt vì sự rèm pha, miệt thị. Cách nghĩ xã hội nhiều định kiến không chỉ ở cộng đồng mà cả những người làm công tác chuyên môn. Nhận thức như vậy khiến họ lảng tránh, chối bỏ, quy lỗi cho phụ nữ khiến pháp luật bị thiếu khuyết không đủ mạnh và ngay cả khâu thực thi luật pháp cũng vậy.

“Tôi cũng không hiểu tại sao những vụ việc nhỏ như vậy mà phải Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng lên tiếng thì hệ thống thực thi luật pháp mới vào cuộc tích cực để xử lý?” – TS Hồng chất vấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem