Khoản tiền sẽ tăng nếu mức đóng bảo hiểm xã hội tăng

Theo Lao Động Thứ sáu, ngày 12/05/2023 18:40 PM (GMT+7)
Nếu đề xuất mức lương đóng bảo hiểm xã hội tăng lên 90% được thông qua, người lao động sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, chế độ hơn.
Bình luận 0

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH.

Khoản tiền sẽ tăng nếu mức đóng bảo hiểm xã hội tăng - Ảnh 1.

Khoản tiền sẽ tăng nếu mức đóng bảo hiểm xã hội tăng

Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Theo phương án này, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh; Phụ cấp lương bao gồm cả các khoản phụ cấp bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, công việc, sinh hoạt, mức độ thu hút và các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc.

Các khoản bổ sung khác bao gồm: Khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận và các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương hợp đồng, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc.

Không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Với phương án này, mức lương tính đóng BHXH sẽ tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động bởi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính bằng tổng mức lương cùng tất cả các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện của người lao động.

Nếu phương án 2 được thông qua, người lao động được tối ưu hóa quyền lợi về lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Người lao động sẽ được hưởng lợi nhiều hơn với các khoản tiền bảo hiểm sẽ tăng mạnh.

Trợ cấp ốm đau

Mức hưởng hàng tháng = 75% x mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ

Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng

Mức hưởng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x số tháng nghỉ chế độ

Trợ cấp thai sản trong các trường hợp khác

Lao động nam có vợ sinh con, thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nữ đi khám thai, bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai được hưởng:

Mức hưởng = mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 x số ngày nghỉ

Lương hưu

Lương hưu = tỷ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu

Mức trợ cấp = Tổng số năm đóng BHXH -  Số năm đóng BHXH được tính hưởng 75% x 0,5 x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

Tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

Tiền BHXH 1 lần = 1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014

Tiền trợ cấp tuất 1 lần

Tiền trợ cấp tuất 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014)

Mức tăng cụ thể đối với từng khoản tiền sẽ phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa mức lương đang đóng BHXH bắt buộc với mức lương thực tế mà người lao động được nhận từ doanh nghiệp và công thức tính từng loại trợ cấp bảo hiểm, lương hưu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem