Khóc, cười với dồn điền đổi thửa: Dựng lều giữ ruộng ngày đêm

Việt Tùng Thứ ba, ngày 14/04/2015 08:45 AM (GMT+7)
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một chủ trương hết sức đúng đắn để thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ trong nông nghiệp. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, do sự thiếu dân chủ khi triển khai thực hiện chương trình này đã dẫn tới những phản ứng tiêu cực của bà con nông dân. Theo những lá đơn khiếu nại mà người dân gửi tới tòa soạn Báo NTNN, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu, làm rõ những khuất tất của vấn đề.
Bình luận 0

Ở thôn Mão Chinh, xã Dương Quang (Mỹ Hào, Hưng Yên), người dân đã dựng lán giữa đồng, cắt cử người trông coi cả ngày lẫn đêm không cho cán bộ thôn, xã xuống ruộng nhà mình gieo sạ, cấy để phản đối những việc làm sai trái, thiếu dân chủ của chính quyền trong thực hiện DĐĐT.

Phá nát ruộng của dân

Theo lịch thời vụ, nhiều địa phương khác đã hoàn thành việc cấy lúa xuân từ hơn tháng nay, một số nơi lúa đã sắp sang thì con gái. Trong khi đó ở thôn Mão Chinh một thôn thuần nông, gần 300ha đất vẫn bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

img
Để phản đối những việc làm sai trái, không cho chính quyền thôn, xã cấy, gieo sạ, người dân thôn Mão Chinh, xã Dương Quang (Mỹ Hào, Hưng Yên) đã dựng lều giữa ruộng.

Để “giữ” 300ha ruộng bỏ hoang đó, người dân ở thôn Mão Chinh đã dựng lều từ ngày 18.3 đến giờ vẫn còn. Túp lều rộng chừng 20m2 được người dân nơi đây dựng tạm bợ giữa đồng để lúc nào cũng có hàng chục người túc trực. Đã gần tháng nay, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hàng trăm người dân thôn Mão Chinh đều đặn cắt cử người ra “ăn ngủ” ngoài lều để giữ ruộng. Chốc lát họ lại ló đầu ra đưa mắt ngó nghiêng khắp cánh đồng, xem có “kẻ” nào lội xuống ruộng cấy, gieo sạ trộm không.

 

Ông Bùi Đăng Gia (72 tuổi) ngụ ở đây cho biết, sở dĩ người dân dựng lán là để canh không cho cán bộ thôn, xã xuống gieo sạ, cấy trên ruộng bởi họ cho rằng chính quyền thôn thiếu dân chủ, công bằng trong việc triển khai DĐĐT. Mọi việc cũng bắt nguồn từ việc họp bàn phân chia ruộng ở đây không rõ ràng. Địa hình ở thôn Mão Chinh được phân thành vùng trũng và cao, khi họp người dân đã nhất trí với phương án mỗi hộ sẽ gắp 2 phiếu, 1 phiếu vùng trũng, 1 phiếu vùng cao. Bởi nếu chẳng may gắp phải phiếu ruộng cao, thì hộ đó sẽ chịu thiệt suốt 50 năm, nên dân làng đã thống nhất, mỗi hộ gắp 2 lá phiếu, ai cũng có ruộng đẹp, ai cũng có ruộng xấu. “Ấy thế mà họ gạt đi, làm theo cách của họ” – ông Gia bức xúc nói.

Ông Nguyễn Văn Hiển, một thành viên trong Tiểu ban DĐĐT thôn Mão Chinh cho biết, mặc dù mới họp được 2 – 3 buổi, phương án DĐĐT, chia ruộng, rồi làm giao thông, thủy lợi nội đồng chưa thống nhất, nhưng lãnh đạo thôn đã đưa máy về múc ruộng đắp bờ tanh bành. “Vì họ không tham khảo, bàn với dân, nên khi đắp đường nơi thì cao, nơi thì thấp, nhất là kênh mương rất bất hợp lý không thoát nước, tiêu úng được. Không chỉ vậy, họ còn tự ý múc đất ruộng lên đắp bờ, khiến nhiều thửa xung quanh bờ sâu đến mông không thể cấy được”- ông Hiển nói.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng nơi mặt ruộng còn mấp mô, bà Nguyễn Thị Lý- một người trong thôn bức xúc: “Khu này khoảng 4 mẫu, trước đây là ruộng cao, bỗng họ cho máy ra múc hết lớp đất màu đem vào làng bán. Khi người dân phát hiện, thì thửa ruộng đã biến thành nửa ao, nửa vườn thử hỏi ai cấy được”.

Xã vẫn không biết

Từ những bất cập trên, nên người dân đã nhất quyết không nhận ruộng và yêu cầu thôn, xã phải làm lại hệ thống kênh mương, san bằng mặt ruộng và chia theo phương án 2 phiếu/hộ, người dân mới nhận ruộng. Vì đã sắp hết thời gian gieo cấy, trong khi đó các đơn vị thi công chưa thể khắc phục được những bất cập trong quy hoạch đường giao thông, kênh mương thủy lợi, để “chữa cháy”, thôn, xã đã ngừng việc chia ruộng và yêu cầu các hộ ruộng nhà ai cấy ruộng nhà ấy, sau khi gặt sẽ tiến hành chia lại.

Mặc dù vậy, nhiều người dân ở đây vẫn không đồng ý bởi nhiều bờ ruộng đã bị “băm nát” chia nhỏ, mặt ruộng không bằng phẳng, kênh mương tưới tiêu bị phá vỡ, nên việc canh tác rất khó khăn… Đứng trước thực trạng hàng trăm ha ruộng bỏ hoang, chính quyền xã đã thuê máy bừa về bừa ruộng, đồng thời ngâm hơn 1 tấn thóc giống để gieo sạ… hộ cho dân. Vào thời điểm chúng tôi về tìm hiểu sự việc (cuối tháng 3), 4 tổ gieo sạ (mỗi tổ 3 – 5 người) đã đưa thóc mầm ra gieo. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi gieo đến đâu, hàng chục người dân đi sau giẫm đạp hết đến đó. Kế hoạch phủ xanh ruộng không thành, chính quyền thôn Mão Chinh đành gieo vãi số mầm thóc trên làm mạ.

Theo tìm hiểu của PV, một vấn đề nữa mà người dân ở đây bức xúc, đó là thôn đã tự ý lấy khoảng 30 mẫu đất phần trăm (quỹ đất chưa sử dụng) để bán. Hiện thôn đã bán 22 suất đất với diện tích 132m2/suất, giá 125 triệu đồng/suất và đang bán tiếp 12 suất nữa, song không thông qua người dân và không công khai tài chính… Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Chưởng – Trưởng thôn Mão Chinh thừa nhận, việc thôn bán 22 suất đất, với giá 125 triệu đồng/suất là có, số tiền này được dùng làm đường nông thôn. Còn việc nhiều hộ biến đất ruộng thành vườn, ao, nhà là đã tồn tại từ nhiều năm nay, nên rất khó giải quyết.

Trao đổi với NTNN, ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang xác nhận, việc người dân ở thôn Mão Chinh bỏ hoang hơn 300ha ruộng là có thực. Còn việc bán đất, quy hoạch đồng ruộng không hợp lý là do thôn tự ý làm. “Trước mắt, chúng tôi đã tạm đình chỉ ông Bùi Minh Huấn – Bí thư Chi bộ thôn và ông Nguyễn Văn Chưởng – Trưởng thôn Mão Chinh, đồng thời tạm giao ông Bùi Đăng Tuân- Chi ủy viên thay ông Huấn; ông Bùi Đăng Mong- Phó thôn thay ông Chưởng điều hành công việc”. Ông Thành cũng cho biết, hiện Thanh tra huyện Mỹ Hào đã vào cuộc để thanh tra việc DĐĐT, thu chi, quản lý đất của thôn Mão Chinh.

Ông Bùi Đăng Nhu - một hộ dân ở Mão Chinh cho biết: “Không phải chúng tôi cố tình muốn bỏ hoang ruộng, mà cấy không đúng thời vụ, thì sẽ thất thu bởi lệch thời vụ sẽ bị sâu bệnh, rồi chuột phá hoại. Đằng nào cũng muộn rồi, thà mất một vụ, còn hơn mất tiếp vụ tiếp theo. Chúng tôi đề nghị thôn, xã không gieo cấy nữa, để chỉnh trang, chia lại ruộng, nhưng họ vẫn cố làm, không nghe theo ý dân”.  
Ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam: Phải công khai, dân chủ, công bằng

Trong DĐĐT, nếu thực hiện công khai, dân chủ và công bằng thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ, còn nếu làm theo kiểu áp từ trên xuống, bắt ép dân làm bằng được, trong đó lại có những động cơ không tốt thì nhất định sẽ tạo ra phản ứng. DĐĐT mang lại nhiều lợi ích, vậy tại sao ở nhiều nơi nhân dân lại không ham? Câu trả lời là, lâu nay chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề DĐĐT, nhưng chỉ nói một chiều. Bây giờ phải đặt câu hỏi ngược lại, tại sao DĐĐT có lợi mà người dân lại không muốn làm? Rõ ràng đằng sau những vụ việc người dân phản ứng có một điều gì đó chưa có lợi cho họ. 

Tôi cho rằng, thời gian tới nơi nào xảy ra xung đột do DĐĐT, nhất định chúng ta phải can thiệp và phải chấn chỉnh ngay. Phải nghiên cứu kỹ càng và có hướng giải quyết cho dân, đồng thời phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị T.Ư có đánh giá lại về cuộc vận động DĐĐT để kịp thời có uốn nắn, điều chỉnh theo hướng cái gì có lợi cho dân thì mới làm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem