“Sóng” lớn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng vì thế mà đang trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2019.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sóng mạnh trong năm 2020? (Ảnh: IT)
Chuyển động tích cực ở ngành ngân hàng
Thời gian gần đây, NHNN liên tục đưa ra nhiều chính sách để đưa ngành ngân hàng vào quỹ đạo phát triển an toàn hơn, như thắt chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, hạ tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% và sẽ tiếp tục hạ xuống 30% (từ ngày 1/10/2022). Đặc biệt, nắm bắt được xu thế tất yếu của việc “buộc” phải niêm yết trong năm 2020, “đọc vị” được các nhà đầu tư có xu hướng chọn các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, hệ số sinh lời cao và đặc biệt giá thị trường còn ở ngưỡng hấp dẫn để đầu tư, nhiều ngân hàng đã "dọn dẹp" cho thật đẹp bảng kết quả kinh doanh, để có thông tin tích cực đưa đến giới đầu tư.
Cụ thể, 10 tháng qua, nhiều ngân hàng đều báo lãi tăng khá ấn tượng so với cùng kỳ, thậm chí có ngân hàng (cả niêm yết lần chưa niêm yết) còn công bố lợi nhuận theo tháng, điều mà trước đây họ chưa từng thực hiện. Những nguyên nhân này khiến cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu dậy sóng trong những tháng cuối cùng của năm 2019.
Chẳng hạn, với cổ phiếu VCB (Vietcombank) - sau khi phá đỉnh cũ thành công ở mốc 75.000đồng/CP trong những phiên giao dịch đầu tháng 7, cổ phiếu VCB từ đó đã liên tiếp leo “đỉnh”, có lúc đạt tới hơn 91.000 đồng/CP, tăng gần 80% so với hồi đầu năm. Theo giới đầu tư dự đoán, có lẽ mốc 100.000đồng/CP sẽ không còn xa với nhà băng được xem là hoạt động hiệu quả nhất hệ thống hiện nay.
Tương tự, hiện tại có lẽ là thời điểm “song hỉ lâm môn” của cổ đông BIDV khi cùng lúc đón nhận nhiều niềm vui, vừa nhận cổ tức tiền mặt vừa nhìn thấy giá cổ phiếu tăng và giá cổ phiếu ngân hàng này ngày càng tiến gần “đỉnh” cũ ở vùng 45.000đồng/CP. Trong 5 tháng qua, cổ phiếu BIDV tăng 40% và đặc biệt bứt phá khá mạnh trong những ngày gần đây để vượt mốc 40.500 đồng/CP, ở thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu BID của nhà băng này bứt phá, là nhờ thông tin hoàn tất bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank, cùng thông tin sắp chia cổ tức tỷ lệ 14% cho năm 2017 và 2018.
Giá trị và khối lượng giao dịch nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch cuối tuần qua (Ảnh chụp màn hình)
Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng khác như Vietinbank, ACB, Techcombank, VPBank, VIB, …đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây. Động lực giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng này đi lên có lẽ nhờ vào kết quả kinh doanh quý III/2019 tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, cơ cấu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng cũng ngày càng tích cực hơn khi nguồn thu nhập giờ đây không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, mà các khoản thu nhập từ phí dịch vụ có sự bứt phá, đóng góp ngày càng lớn cho lợi nhuận của nhà băng.
Đơn cử, MBBank mới đây sớm công bố lợi nhuận riêng ngân hàng đạt trên 8.000 tỷ (cập nhật 10 tháng), hoàn thành 96% kế hoạch cả năm là 8.345 tỷ. Tính đến 31/10/2019, thu dịch vụ của MBBank đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước…
“Sóng” lớn sẽ có, nhưng không phải ở tất cả các ngân hàng
Theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán dự báo, “sóng” lớn ngành ngân hàng sẽ có trong thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, song không phải đối với tất cả các ngân hàng. Một phân tích gần đây của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán SSI, việc nới tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay tối đa trên tổng tiền gửi) đối với khối ngân hàng TMCP là phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Mặc dù việc điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR ở hai nhóm ngân hàng sẽ không khiến tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có nhiều thay đổi, do phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm ngân hàng TMCP.
Hiện nay đã có 13 ngân hàng đang áp dụng Basel 2, vì thế nhóm ngân hàng TMCP có thể xem là được hưởng lợi từ chính sách, và có khả năng mở rộng tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, như BIDV và VietinBank sẽ bị tác động ít nhiều từ việc thay đổi tỷ lệ LDR.
Nguyên nhân là do tính đến giữa năm 2019, tỷ lệ LDR ở BIDV và VietinBank đã ở mức lần lượt 84% và 85,5%, gần chạm và vượt so với quy định mới. Song vì chưa đạt chuẩn Basel 2, cho nên trong năm 2020 dư địa để BIDV và VietinBank mở rộng tín dụng sẽ hạn hẹp.
TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho rằng hiện tỷ lệ LDR trung bình của khối ngân hàng cổ phần chỉ khoảng 84,61%. Như vậy những ngân hàng đang áp dụng Basel 2 nhiều khả năng sẽ mở rộng room tín dụng trong năm sau trong khi không tạo thêm áp lực huy động vốn. Đồng thời, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa nhẹ trong thời gian tới do tỷ lệ LDR mỗi ngân hàng mỗi khác. Những ngân hàng đang mở rộng bán lẻ như Vietcombank, MB, ACB… sẽ có thu nhập lãi thuần tăng trưởng tích cực, các ngân hàng chịu sự ảnh hưởng lớn từ kết quả cho vay tài chính tiêu dùng thì thu nhập lãi thuần có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ...
Cổ phiếu “vua” nào được khuyến nghị đầu tư?
Trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, các mã cổ phiếu như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VIB… được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị đầu tư và nắm giữ do các nhà băng này được đánh giá có lợi thế về chi phí huy động vốn rẻ, có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản lành mạnh và tiềm năng tăng trưởng thu nhập dịch vụ đang khá lớn.
Ngoài ra, trong năm 2020 có thể các ngân hàng như OCB, MSB, SeABank, ABBank, Saigonbank, Nam A Bank, VietABank... sẽ thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, nên các mã chứng khoán này có thể sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.