Khơi lòng yêu nước bằng lịch sử

Lê Huyền Thứ năm, ngày 12/06/2014 08:13 AM (GMT+7)
Những ngày này, ý kiến của Giáo sư sử học Phan Huy Lê về đưa nội dung chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa lại được xới xáo lên sau  việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bình luận 0

Nhưng trước đó gần 1 năm, vào ngày 18.8.2013, Giáo sư Phan Huy Lê đã đưa ra ý kiến này bằng một văn bản chính thức của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiến nghị với Ban Tuyên giáo, Bộ GDĐT... Ông nhấn mạnh: “Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm. Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế hệ trẻ”.

Kiến nghị này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe và từ cuối năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Tuy nhiên, GS Lê cho rằng không thể chờ đến năm 2015, khi chúng ta đổi mới chương trình SGK thì mới đưa nội dung về chủ quyền trên Biển Đông của nước ta vào giảng dạy bởi việc viết sách giáo khoa thường được thực hiện cuốn chiếu và cuốn cuối cùng dự kiến kết thúc vào năm 2022. Đó là thời gian quá dài, việc này cần phải làm ngay trong năm học tới. Ý kiến này của ông đã được nhiều nhà sử học, nhà giáo ủng hộ. Thay vì chờ đưa vào sách giáo khoa, có thể đưa theo hình thức tài liệu hướng dẫn để giúp giáo viên giảng dạy ngay…

Trên hết, về kiến thức lịch sử, trong bất kỳ sách giáo khoa nào của đất nước, quá trình hình thành, xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một nội dung bắt buộc phải có trong môn lịch sử. Với Việt Nam, những kiến thức về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa gắn liền với những biến động về "vấn đề Biển Đông" với tất cả sự kiện mà cha ông ta từng đổ máu và nước mắt cần được cập nhật trong sách để khơi dậy tình yêu Tổ quốc, ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trong học sinh Việt Nam. Điều đó có nghĩa, những trận đánh bảo vệ Hoàng Sa; thực trạng Hoàng Sa đã mất sau trận hải chiến năm 1974… cần được đưa vào sách sử, vào tài liệu giảng dạy môn sử. Rất nhiều thế hệ học sinh học các bộ sách giáo khoa hiện hành- dù có học qua kiến thức địa lý về biển đảo- vẫn không hề biết Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Đưa kiến thức chủ quyền vào sách giáo khoa, vào tài liệu hướng dẫn là việc trong tầm tay của Bộ GDĐT. Vấn đề là cần nói thật bằng lịch sử đầy trắc ẩn của cha ông, để thế hệ trẻ hôm nay khơi lòng yêu nước từ niềm tin và từ những câu chuyện xác tín lịch sử…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem