Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức

Nhóm PV Thứ tư, ngày 19/07/2023 09:50 AM (GMT+7)
Sáng ngày 19/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức”.
Bình luận 0

Nông nghiệp thông minh - Đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam

Nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin)..

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau nên các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 2.

Đại diện Báo Nông thôn ngày nay và các khách mời tham gia Hội nghị.

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có:

- Ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương

- Ông Nguyến Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI).

- Anh Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (điểm cầu Thanh Hóa)

- Anh Nguyễn Đức Chinh, chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội (điểm cầu Hà Nội)

- Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.Hồ Chí Minh) (điểm cầu TP.HCM)

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ: Đây là hội nghị thứ 3 trong 2 tuần gần đây báo thực hiện. Trong hội nghị này chúng tôi có phần việc rất quan trọng đó là hỗ trợ các cá nhân khởi nghiệp.

Hội nghị hôm nay sẽ làm nhiệm vụ đó. Khởi nghiệp nông nghiệp thông minh đang là trào lưu rất phát triển trên thế giới từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở Việt Nam cũng đang có xu thế khởi nghiệm nông nghiệp thông minh được các địa phương tạo điều kiện và đến nay đã đạt kết quả ban đầu rất khả quan.

Tuy nhiên, khởi nghiệp nông nghiệp thông minh còn gặp nhiều khó khăn như về máy móc, thị trường...

Hôm nay báo tổ chức hội nghị online với chủ đề: "Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức" có tham dự của nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và các nông dân đã và đang khởi nghiệm nông nghiệp thông minh thành công tại các địa phương, các đại biểu đều là chuyên gia có kinh nghiệm trong khởi nghiệp nông nghiệp thông minh.

Mong sau hội nghị các đại biểu sẽ chia sẻ và truyền các kinh nghiệm quý, hữu ích để lan tỏa và giúp các nông dân, nhất là có thêm nhiều người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp thông minh thành công và bền vững hơn.

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng, và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được thể hiện trong các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua.

 Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới và đã đạt được khá nhiều thành tựu.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương.

Tại Việt Nam, về chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai khá sớm và coi khoa học công nghệ là chìa khoá phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Điều đó được thể hiện qua Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thông qua nghị quyết này đã thể hiện được chủ trương của Đảng, chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 19 khẳng định rõ quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt, phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ tạo sự đột phát, trong đó phát triển công nghệ sinh học, công nghệ giống, vườn ươm; phát triển mối liên kết xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến.

Ngày 27/02/2023, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó có thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thị trường khoa học công nghệ.

"Tham dự hội nghị hôm nay tôi thấy khá nhiều gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân 4.0 đã có nhiều đóng góp trong phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Tôi hi vọng thông qua hội nghị này, chúng ta sẽ truyền tải các chủ trương, chính sách để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và hướng đến phát triển nền nông nghiệp sinh thái"- ông Tiến cho biết.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) cũng nhận định: "Tôi may mắn được tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng các bạn trẻ từ rất sớm, khoảng từ những năm 2012 - 2013. Hơn 10 qua tôi đã chứng kiến được sự chuyển mình và thay đổi rõ rệt. Trước đây nhắc đến các hoạt động nông nghiệp thì thường là điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI).

Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn. 

"Tôi mới ngồi với 2 bạn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X, là founder (người sáng lập – PV) mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp có cái tên rất dễ thương “Cỏ cây hoa lá”. Trước thì 2 bạn này học chuyên ngành hóa học nên các bạn đã biết áp dụng những kiến thức được đào tạo, cộng với sự nhạy bén, ham học hỏi… các bạn đã tạo nên được những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt… Đặc biệt là các sản phẩm này đều là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm như gừng, xả, lá chanh… . Hiện, doanh thu của 2 bạn trẻ này lên tới cả trăm tỷ mỗi năm và chắc chắn họ sẽ tiếp tục nâng cao doanh thu trong thời gian tới" - ông Trung kể.

"Ngoài ra, còn có những bạn trẻ lại tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm mới rất hữu ích, ví dụ như một bạn trẻ ở Nghệ An đã liên kết với vùng trồng dứa nguyên liệu, thu mua các cuống dứa bỏ đi để cho ra đời từ vải sợi dứa nhờ. Hoặc trong lĩnh vực thủy sản, có bạn đã đưa ra dòng sản phẩm cải tiến đèn led trên tàu đánh cá cũng đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng…

Tất cả những ví dụ trên đều là minh chứng cho thực tế: Áp dụng những yếu tố công nghệ vào thì các dự án đều gia tăng giá trị, đồng thời tạo nên những doanh nghiệp có thể định giá hàng trăm tỷ, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân" - ông Trung nhấn mạnh.

Phát triển nông nghiệp thông minh bằng cách tiếp cận thông minh 

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 7.

Nông dân Trần Văn Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) -  Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần.

Có mặt tại Hội nghị ở điểm cầu Thanh Hóa, ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần.

Ông Trần Văn Tân chia sẻ: Năm 2018 tôi dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn như: tích tụ ruộng đất; cơ chế thủ tục…Giai đoạn đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao còn mới mẻ với chúng tôi.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không làm chúng tôi nản lòng. Với nhiệt huyết của thanh niên, tuổi trẻ tôi đã tiếp tục dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa. Nếu như trước đây, cây rau má mọc dại ở nhiều nơi thì hiện nay chúng tôi đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha. Trong quá trình khởi nghiệp nếu muốn thành công thì điều đầu tiên phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân, HTX để cùng phát triển.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 8.

Nông dân Trần Văn Tân chia sẻ tại Hội nghị.

Sau khi liên kết với nông dân cũng đã giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đặc biệt không để đất bỏ hoang. Hiện giá thu mua rau má tươi của chúng tôi 15.000 – 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 – 15 triệu đồng/tháng, có những hộ thu nhập cao nhất 40-60 triệu đồng/tháng.

Để liên kết bền vững, chúng tôi cung ứng phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công sức và đất đai để trồng rau má. Hiện nay, chúng tôi đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân, hàng chục HTX để trồng và nhập nguyên liệu rau má. Nhà máy chế biến cũng đã đi vào hoạt động ổn định 2 năm nay. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ rau má đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc…Tháng 9 tới đây một đối tác ở Nhật Bản đã mời chúng tôi sang để hợp tác nhập khẩu bột rau má.

Không chỉ ông Trần Văn Tân, mà ông Nguyễn Đức Chinh - Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - nông dân Việt Nam xuất sắc tại điểm cầu Hà Nội cũng đồng tình và chia sẻ, hiện nay trang trại của ông Chinh đang xuất bán 4-5 tấn rau hữu cơ các loại cho khách hàng Hà Nội, dự kiến thu nhập bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm.

"Để đưa ra quyết định xây dựng trang trại như bây giờ, thì ý tưởng hình thành trang trại đã phải có từ trước rất nhiều. Trong quá trình làm việc ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tôi được tiếp xúc với nhiều nền nông nghiệp tiên tiến như Úc, Israel, ở những nước này điều kiện thiên nhiên không được ưu đãi, không được thuận lợi như nước ta" - ông Chinh kể.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 9.

Nông dân Nguyễn Đức Chinh - Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) (bên trái).

So với nhiều quốc gia, Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hữu cơ nhưng lại không khai thác thực sự hiệu quả. Ông Chinh cho biết thêm: "Tôi đã dành thời gian nghiên cứu khảo sát nhu cầu của khách hàng, và nhận thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau hữu cơ rất lớn, nhất là nhu cầu của các gia đình có con nhỏ, tuy nhiên bản thân họ cũng khó tiếp cận nguồn rau hữu cơ thường xuyên, giá bán lại cao… Vì thế tôi luôn suy nghĩ phải làm được việc gì đó để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với giá cả phải chăng.

Sau đó, trong quá trình học ở Nhật Bản, tôi đã học được nhiều kĩ thuật sản xuất rau hữu cơ với giá thành hợp lí và quyết tâm xây dựng trang trại Gen Xanh".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 10.

Nông dân Nguyễn Đức Chinh chia sẻ tại Hội nghị.

Ông Chinh kể: "Tôi tập trung vào 3 cốt lõi, đó là sản phẩm rau hữu cơ, rau bản địa, áp dụng khoa học công nghệ và đây chính là cốt lõi để giảm giá thành sản phẩm, ví dụ như ứng dụng vi sinh vật để phân huỷ chất hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, hay ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý sâu bệnh hại".

Sau 4-5 năm vận hành, đến nay trang trại đã hoạt động ổn định, rất nhiều bạn trẻ tìm đến HTX để học hỏi. Làm nông nghiệp hữu cơ khó khăn thách thức rất nhiều, nhưng tóm gọn lại muốn làm là phải say mê, và qua hội thảo này tôi rất mong muốn tìm được những người cùng chí hướng để hợp tác, liên kết sản xuất…

Cũng tại hội nghị, ông Lâm Ngọc Tuấn - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP.HCM cho biết, chúng tôi trồng rau thủy canh ở Thủ Đức từ 2017 đến 2023. Trong quá trình sản xuất chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là đất đai ở thành phố thu hẹp, HTX phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 11.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP.HCM.

Trải qua mùa dịch Covid - 19, khắp nơi hạn chế vận chuyển lương thực, chính thời điểm này ban lãnh đạo thành phố nhận thấy cần phải phát triển nông nghiệp tại chỗ nên đã có chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

HTX Tuấn Ngọc phát triển được 10.500m2, trước đại dịch chúng tôi sản xuất được 36 tấn rau/ha gấp 2 lần rau truyền thống. Chất lượng rau cũng ổn định quanh năm, có ưu điểm là chống được nhiễm khuẩn và dư lượng thuốc BVTV trên rau. Chúng tôi cung cấp cho người tiêu dùng qua siêu thị như Aeon Mall, Lotte Mart...

"Khi áp dụng được nông nghiệp công nghệ cao vào trồng rau thủy canh, năng suất cây trồng được cải thiện đáng kể, tiết kiệm được nước, nhân lực, nguồn tài nguyên. Chúng tôi sử dụng nước ít hơn, tôi ưu hóa được điện, phân bón. Trong mùa mưa bão chúng tôi vẫn sản xuất bình thường, không ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết" - ông Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 12.

Anh Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc mời khách tham quan ăn rau sạch trực tiếp tại vườn trồng.

Khi trồng rau thủy canh cũng hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa hệ thống nước thải từ trồng rau còn được tái được sử dụng.

Khó khăn nữa là khi thành viên muốn tham gia vào HTX phải có nguồn vốn khá cao khoảng 1 tỷ đồng/1.000m2. Và khi trồng rau công nghệ cao phải có kiến thức chuyên sâu về máy móc, tự động hóa...

Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cần thay đổi tư duy nhiều cần phải học hỏi nhiều hơn.

Trong quá trình xây dựng trang trại HTX gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có thuận lợi là đạt năng suất và chất lượng vượt trội. Khi áp dụng công nghệ cao vào thủy canh đạt trên 120kg/ngày, chúng tôi áp dụng ngoài VietGAP và dần tiến tới xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP cho rau.

Khác với trồng rau truyền thống cần nhiều người nhưng khi HTX áp dụng công nghệ tự động chỉ cần 1 nhân viên để vận hành từ tốc độ gió, dinh dưỡng, độ ẩm... trồng rau trong nhà màng đều tối ưu giúp cây trồng phát triển tốt và cho hiệu quả tốt.

Công nghệ tự động giúp quản lý tốt các FARM, như tại Ninh Thuận chúng tôi xây dựng mô hình và cho năng suất cao, cứ 1000m2 cho năng suất khoảng 150kg/ngày và vận chuyển từ Ninh Thuận về TP.HCM theo đường cao tốc rất nhanh.

"Hiện chúng tôi đang chuyển giao công nghệ cho các tỉnh và các HTX để mọi người cùng phát triển nông nghiệp thông minh hiệu quả hơn" - ông Ngọc Tuấn nhận định.

Nông nghiệp thông minh: Đã đến lúc không thể đứng ngoài được

Lắng nghe chia sẻ của các nông dân làm nông nghiệp thông minh tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: "Những chia sẻ của các anh Nguyễn Đức Chinh (Hà Nội), Trần Văn Tân (Thanh Hoá), Lâm Ngọc Tuấn (TP Hồ Chí Minh) rất thú vị, rất thực tế và thiết thực. Các anh đương đầu với rất nhiều khó khăn để gây dựng trang trại thành công như hiện nay. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Trần Văn Tân với cây rau má ở Thanh Hoá với quá trình khởi nghiệp khá là gian nan, nhưng kết quả khá ngọt ngào. Có những hộ gia đình liên kết trồng rau má đã thu nhập 40-60 triệu đồng/năm, qua đó đóng góp rất lớn cho nông nghiệp".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại Hội nghị.

"Tôi đồng ý với quan điểm của anh Nguyễn Đức Chinh là nông nghiệp là lợi thế. Tôi có từng đi đến nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… điều kiện tự nhiên của họ khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều. Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nền nông nghiệp. Từ năm 2008, sau khi hội nhập, nền nông nghiệp nước ta phát triển rất nhanh" - ông Tiến kể..

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, yếu tố đặt lên hàng đầu là hiệu quả. Hiệu quả dựa trên quy mô, công nghệ, quản trị. Như nông dân Lâm Ngọc Tuấn ở TP Hồ Chí Minh đã quản trị trang trại rau thuỷ canh dựa trên công nghệ IOT đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức lao động và tiền bạc.

Ông Tiến cho biết thêm, về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, chúng ta có rất nhiều. Chúng ta có chính sách tích tụ ruộng đất, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã. Chúng ta có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị... Vấn đề đặt ra chúng ta tiếp cận chính sách như thế nào?

Mới đây trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, chúng tôi có nói với Bộ trưởng là nông dân hiện nay khó tiếp cận 2 nguồn lực chủ yếu trong đó là vốn và tập trung đất đai. Một yếu tố nữa trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, anh Lâm Ngọc Tuấn đã chia sẻ, ở TP Hồ Chí Minh có khu nông nghiệp công nghệ cao tổ chức đào tạo về công nghệ ươm giống, vườn ươm giống. TP Hồ Chí Minh đô thị hoá nhanh, nông dân cũng chuyển dần cách thức sản xuất, chuyển từ ngang sang dọc, thay vì mở rộng quy mô diện tích thì nông dân sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trang trại rau thuỷ canh của anh Lâm Ngọc Tuấn.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 14.

Các khách mời tham gia Hội nghị.

Cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Tiến, ông Nguyễn Tiến Trung thông tin thêm: Có điểm chung trong các câu chuyện chia sẻ của khách mời dù các bạn ở những vị trí, vai trò khác nhau, đó là đều bước ra khỏi vùng an toàn để có được thành công như hôm nay.

Thực tế để nói về những khó khăn thì các anh nói sẽ hợp lý và thuyết phục hơn, nhưng tôi xin được chỉ ra những khó khăn chung của nhiều start up, đó là: Khó khăn về vốn, vướng mắc về chính sách, thiếu truy xuất nguồn gốc, bởi chỉ khi có truy xuất nguồn gốc thì sản phẩm của các anh mới có cơ hội vươn ra thế giới, và khó khăn cuối cùng là nhiều sản phẩm vẫn thiếu yếu tố bảo hộ, sở hữu trí tuệ.

"Trên cơ sở những khó khăn chung này, tôi muốn chia sẻ với các anh xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới để các anh có thể tự nhận định và định hướng cho mô hình của mình trong thời gian tới" - ông Trung cho biết.

Thứ nhất, chúng ta đều nhìn thấy rõ xu hướng hiện tại và trong tương lại sẽ luôn luôn thời sự, đó là các sản phẩm "Sạch". Để có sản phẩm sạch thì hữu cơ sẽ là yếu tố giúp sản phẩm của chúng ta tăng giá bán, vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Bên cạnh yếu tố sản xuất hữu cơ, chúng ta có thể tham gia và xây dựng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn OCOP, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mà nhiều địa phương đã và đang tiếp tục xây dựng.

Thứ hai là xu hướng xuất khẩu. Hiện tại các sản phẩm nông nghiệp đang được xuất khẩu nhanh, nhiều như vũ bão. Mỗi khi đọc các bản tin hay xem thời sự chúng ta đều có thể nắm bắt được các thông tin về xuất khẩu nông sản. Và chỉ khi xuất khẩu thì mới có thể mang lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với bán ở thị trường nội địa.

Thứ ba là xu hướng lựa chọn những sản phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao. Tôi lấy ví dụ, tôi mới ngồi với giám đốc một đơn vị chuyên sản xuất tinh bột kháng từ đậu xanh và chuối. Hiện tại anh này đã liên kết với P&G để khai thác vùng nguyên liệu chuối trong Quảng Nam, đồng thời sẽ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo để đưa tinh bột kháng vào các sản phẩm để gia tăng giá trị và phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại.

Thứ tư, cần tiếp cận và chú trọng tới hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiện đại thông qua các hình thức phân phối logistic. Xây dựng kênh phân phối riêng để có thể chủ động hoàn toàn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Và cuối cùng là xu hướng kết hợp yếu tố công nghệ cao vào sản xuất chế biến để tạo ra những sản phẩm đột phá. Khi đưa yếu tố công nghệ vào không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí tăng được sự cạnh tranh của sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 15.

Nông dân Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc.

Từ đó, nông dân Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết: Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp tại địa bàn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu, tạo điều kiện giúp các startup khởi nghiệp thành công, tạo dựng được sản phẩm uy tín hơn nữa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả nước ngoài.

Còn đối với nông dân Trần Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hoá, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới thì đề nghị Nhà nước, Bộ, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững, mang tính dài lâu để không chỉ sản phẩm rau má xứ Thanh tiếp cận được với người tiêu dùng, mà còn nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, đặc biệt là không chỉ người có thu nhập mua được mà cả những người lao động bình dân cũng có cơ hội tiếp cận. Để làm được điều đó, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ các start -up về lãi suất, nguồn vốn để giảm giá thành. Cá nhân tôi đang đặt mục tiêu năm 2025 sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến bột ra má số 2, giảm giá thành từ 25 – 30% để ai cũng có thể mua được, đồng thời xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm rau má tiếp cận 5-7 thị trường nước ngoài, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước.

 Nông nghiệp thông minh: Lời giải cho bài toán năng suất và hiệu quả

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục chia sẻ: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và chưa phát triển như kỳ vọng nên trong quá trình sản xuất của bà con sản xuất rất gian nan như anh Trần Văn Tân mất 4,5 năm vật lộn với công nghệ đến giờ mới dần hái được "quả ngọt".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 16.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương.

Chúng ta có nhiều công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ số... làm sao chúng ta vận dụng, áp dụng mang lại hiệu quả, thực chất sản xuất, kinh doanh là đạt hiệu qủa. Đầu tư công nghệ cao, thông minh tạo ra sản phẩm chất lượng nhất đưa ra thị trường trong và ngoài nước, như anh Tân có nhiều sản phẩm được bạn hàng ở Nhật, Hàn tiếp nhận và đánh giá rất cao.

Theo đó, theo tôi, chúng ta phải lựa chọn được công nghệ tốt và phù hợp nhất vào sản xuất mới đem lại hiệu quả.

Thứ hai là quy mô sản xuất của Việt Nam vẫn là quy mô nhỏ nên cần phải có liên kết sản xuất như anh Tân liên kết với nhiều nông dân có quy mô để đầu tư công nghệ vào rất hợp lý, hiệu quả.

Hiện nay chúng ta có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai để sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp với các yếu tổ lịch sử, hay du lịch sinh thái để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Thứ ba là tiếp cận chính sách, chúng ta cần có đội ngũ tư vấn để tổ chức sản xuất để thuyết phục các cơ quan nhà nước vào cuộc hỗ trợ. Đơn cử như anh Tâm sản xuất ở các tỉnh tiếp cận được các sở ban ngành ở địa phương để có được vốn, nguồn hỗ trợ của nhà nước về vốn tín dụng, đất đai phục vụ vào sản xuất thuận lợi hơn.

Thứ tư là tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu thế chúng ta không thể đứng ngoài. Vì nếu đứng ngoài thì chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường. Khi sản xuất sản phẩm, chúng ta phải xác định phải có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn để xuất khẩu nhiều hơn.

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức - Ảnh 17.

Ông Nguyến Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI).

Còn ông Nguyến Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) chia sẻ thêm, để khởi nghiệp nông nghiệp, các bạn trẻ cần thực hiện 8 bước:

Thứ nhất, các bạn trẻ cần “bước qua vùng an toàn” của chính mình để thay đổi tư duy, hòa nhập xu hướng mới với điều kiện, tiêu chuẩn mới, đồng thời “làm nhỏ nhưng nghĩ lớn” để đưa sản phẩm bán ra toàn Việt Nam và toàn cầu. Bên cạnh đó, bám sát thị trường, khách hàng để cải tiến sản phẩm trước những yêu cầu mong muốn của khách hàng.

Thứ hai, hiểu rõ sản phẩm, tiêu chuẩn để từ đó áp dụng cho các sản phẩm của mình

Thứ ba, xây dựng thương hiệu, uy tín cho từng sản phẩm của mình

Thứ tư, kinh doanh phải trung thực đặt lên hàng đầu

Thứ năm, xây dựng kênh phân phối online, khi áp dụng giúp giảm chi phí, tăng năng suất.

Thứ sáu, tham gia cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp. Khi tham gia sẽ gặp nhiều chuyên gia để chia sẻ, trao đổi, nghe thêm ý kiến tư vấn từ chuyên gia.

Thứ bảy, tìm kiếm cho mình một cố vấn đồng hành

Thứ tám, học và không ngừng học, đem những kiến thức học được để áp dụng vào thực tế và đáp ứng yêu cầu của thực tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem