Năng suất không cao vì hầu hết người nuôi tôm đều thực hành thả thưa, tránh rủi ro xảy ra lần nữa, nhưng vậy đã là mừng rồi!
Niềm vui trở lại với người nuôi
Liên tiếp 2 vụ nối nhau, từ cuối năm 2010 đến hết tháng 6.2011, người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng với tôm chết hàng loạt, phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, tổng thiệt hại tới vài trăm tỷ đồng. Dù kẹt vốn do thả giống liên tiếp bị thất bại, nhưng nông dân ĐBSCL vẫn không nản chí, bấm bụng tìm mọi cách tích cực thả nuôi trở lại.
|
Niềm vui đang trở lại với người nuôi tôm ở ĐBSCL. |
Con tôm nuôi thu hoạch trong những ngày qua được bà con nông dân tái thả lại từ tháng 4 - 5 năm nay, ngay thời điểm tôm chết hàng loạt ở hầu hết 7 tỉnh ven biển ĐBSCL. Sản lượng thu hoạch của đợt tái sản xuất này chỉ dưới 50% - theo như đánh giá của người nuôi tôm, nhưng đó đã là tín hiệu tốt! Bởi như anh Nguyễn Văn Thái (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), cho hay: Cứ 10 hộ cận kề thì có chừng 3- 5 hộ phục hồi tốt hồ nuôi, cho thu hoạch tạm gọi là ổn định.
Kỹ sư Đào Bá Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết: Gần đây, nhiều vùng nuôi tôm đã khôi phục và nhiều hộ đã nuôi trở lại khá thành công.
Cụ thể, nông dân Nguyễn Phong ở ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch, vui mừng cho hay: “Tôm của tui đã hơn 4 tháng. Môi trường nước khá đẹp, sức khỏe tôm tốt, có thể nuôi kéo dài đến cuối tháng 12 mới thu hoạch”. Cách nhà ông Phong không xa, chị ruột anh và nhiều hộ cũng vừa trúng tôm. Mỗi người thắng đến vài hầm nuôi, bán trên 350 triệu đồng/hộ, trừ hết chi phí cũng còn hơn 100 triệu đồng lãi ròng/ha.
Ông Ngô Hiển - đại diện Nhà máy Chế biến tôm Phát Đạt (Bạc Liêu) cho biết: Các điểm chế biến tôm đều đã có tôm trở lại, tuy số lượng ít nhưng cũng duy trì được sản xuất. Lãnh đạo các nhà máy chế biến tôm ở ven Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng thừa nhận: Công nhân đã trở lại nhà máy sơ chế tôm, các đại lý vẫn mua tôm đều đều.
Hào hứng với niên vụ tới
Nhắc đến lời, lỗ kỳ tôm này, ông Danh Thuấn - xã Mỹ Quới, Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: Tôm chết có chu kỳ, cứ vài năm lại chết hàng loạt 1 lần. Tuy nhiên, với mức giá tôm cao ngất ngưởng hiện nay (trên 250.000 đồng/kg loại 20 con), lợi nhuận từ nuôi tôm còn khá hấp dẫn. Bình quân hễ trúng 1 vụ, sau đó dù có bị thất 2 vụ cũng còn lời hoặc chí ít cũng huề vốn, không đến nỗi nào.
Tổng diện tích thả nuôi tôm từ các tháng 4, 5, 6 ở ĐBSCL đã vượt 50.000ha, đến nay hơn 10% đã cho thu hoạch sớm. Sau thu hoạch, nông dân đang phơi ao để đến tháng 2, 3 sẽ thả nuôi chính vụ năm 2012.
Rút kinh nghiệm 2 đợt tôm chết vừa qua, năm nay người nuôi tôm chọn nuôi tôm sú là chính và chọn loại cỡ lớn, tôm khỏe. Đại bộ phận nông dân khi tiến hành nuôi thả lại đã tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp là xử lý nước tốt và triệt để với việc sử dụng hóa nông dược.
Theo đại diện Trại Tôm sú giống Kim Sa, sau kỳ tôm chết hàng loạt, nông dân xử lý ao kỹ hơn mới tiếp tục thả giống. Bởi vậy, trại vẫn sản xuất và cung ứng giống bình thường. Vua tôm Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) cũng cho biết: Người nuôi tôm đã tích cực xử lý môi trường, sẵn sàng cho niên vụ tới ăn chắc. Ông Ngoãn có ngày tiếp hơn chục nông dân đến từ nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cách thức xử lý môi trường để thực hành nuôi sinh thái như ông Ngoãn.
Vũ Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.