Khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19: Cần triển khai nhanh, linh hoạt

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ hai, ngày 18/05/2020 06:30 AM (GMT+7)
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt phỏng vấn ông Lê Quang Trung - nguyên Vụ phó Vụ Việc làm, Bộ LĐTBXH.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 đã  tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của dịch với thị trường lao động?

- Báo cáo của Bộ LĐTBXH và các tổ chức phi chính phủ đều cho thấy, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Theo khảo sát, dịch khiến cho 86% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, một số doanh nghiệp nhỏ, thuộc khu vực du lịch, hàng không, dịch vụ tự do... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có tới 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc giãn việc và mất việc. Ngoài ra, một lượng lớn các HTX, tổ hợp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chịu tác động. Khoảng 10 triệu lao động trong các ngành nghề như du lịch, dệt may, gia công điện tử... đã bị ảnh hưởng. Ngoài ra một bộ phận lớn lao động tự do đã bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Có thể kể tới như gói hỗ trợ an sinh trị giá hơn 62.000 tỷ đồng; gói miễn giảm, tạm ngừng đóng thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Mặc dù đã tung ra nhiều giải pháp nhưng chỉ hạn chế được phần nào tác động của dịch.

Trước bối cảnh đó, Bộ LĐTBXH đang đề xuất đào tạo lại lao động. Theo kinh nghiệm của ông, cách thức đào tạo nên triển khai thế nào?

- Tôi cho rằng để làm chương trình này cần phải tập trung xác định nhóm đối tượng sẽ đào tạo bồi dưỡng. Theo đó, sẽ dùng quỹ kết dư từ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để đào tạo lại cho nhóm lao động có tham gia BHXH, riêng với lao động tự do, lao động không thuộc diện hỗ trợ từ Quỹ BHTN thì dùng các nguồn kinh phí khác để đào tạo.

Sau khi xác định đối tượng, phải phân định rõ đối tượng nào cần bồi dưỡng, đối tượng nào cần đào tạo. Với lao động có chuyên môn kỹ thuật cao rồi thì thực hiện bồi dưỡng cho họ tiếp tục làm việc, thích ứng công việc đang làm. Riêng với nhóm lao động mất việc, thất nghiệp thì thực hiện đào tạo lại để họ có thể tìm việc làm mới.

Về điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ cần phải được nới rộng ra. Không nên tính theo thời gian đào tạo mà nên tính theo gói hỗ trợ. Ví dụ như nghề làm tóc, gội đầu, làm móng tay... hay các lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp khác; hoặc như nghề sửa chữa máy nông nghiệp, máy nổ... không được thiết kế thành giáo trình, thành bộ môn thì cũng cần phải linh hoạt trong việc hỗ trợ cho họ.

Cần triển khai nhanh, linh hoạt - Ảnh 1.

Dạy nghề trồng cây dược liệu tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Q.T

Số lượng lao động cần đào tạo là khá lớn, theo ông nguồn kinh phí này cần được giải quyết thế nào?

- Với lao động có tham gia BHXH, đủ điều kiện thì sẽ trích kinh phí từ Quỹ BHTN để hỗ trợ tái đào tạo nghề cho lao động mất việc. Về nguyên tắc, chúng ta có thể hỗ trợ 1 tháng học phí, sau đó có thể hỗ trợ thêm cho họ tiền đi lại, tiền ăn, ở. Con số có thể sẽ vượt cao hơn so với con số dự tính, khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn này có thể lấy ở Quỹ BHTN, bởi hiện nguồn này đang kết dư tới hơn 80.000 tỷ đồng.

Lao động ngành nào cần được quan tâm, ưu tiên đào tạo trong thời điểm này?

- Theo tôi nhóm đầu tiên cần được ưu tiên là lao động tự tạo việc làm, hai là ngành sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Thứ ba là những ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, gia công, chế biến... có đông lao động.

Với ngành điện tử, giày da, dệt may... những ngành cần đào tạo chuyên sâu thì cả doanh nghiệp, cả người lao động, cả trường nghề cần bắt tay. Hiện nay lao động Việt Nam đã được đào tạo cơ bản, có kiến thức chuyên môn, nhưng vẫn cần phải đào tạo chuyên sâu.

Đặc biệt, việc thực hiện hỗ trợ đào tạo cần được thực hiện sớm, triển khai ngay, tránh để quá lâu, lao động không có kiến thức, kỹ năng gia nhập trở lại thị trường lao động.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem