Khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19: Gấp rút đào tạo lại 1 triệu lao động

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 18/05/2020 06:00 AM (GMT+7)
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid -19, đây là lúc cả nước bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình hình mới, cần phải bắt đầu thực hiện đào tạo, đào tạo lại lao động vừa mất việc để tái cơ cấu lao động, tạo việc làm mới...
Bình luận 0

Công nhân muốn quay lại làm nông dân

Không chỉ ở thành thị lớn, lao động ở khu công nghiệp mà lao động làm nông nghiệp, ở nông thôn cũng hứng chịu tác động khủng khiếp từ dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị Dung (42 tuổi) ở xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, từng là công nhân may tại Công ty Hong fu Thanh Hóa. Thế nhưng từ ngày có dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn trong sản xuất, chị bị mất việc, cuộc sống rất nhiều khó khăn. Chị Dung tâm sự: "Lúc này công ty tôi và một số công ty khác trên địa bàn huyện đều gặp khó. Vì vậy, dù muốn tìm một công việc tạm thời để làm cũng không dễ chút nào. Vợ chồng tôi đang tính toán có thể sẽ mở trại chăn nuôi lợn làm kinh tế".

Vợ chồng chị Dung dự định sẽ học nghề chăn nuôi thú y để có thêm kiến thức kỹ năng. Tuy vậy, hiện nay các lớp dạy nghề tại địa phương vẫn chưa khởi động, nên vợ chồng chị chưa thể học.

Khôi phục sản xuất sau dịch Covid -19:  Gấp rút đào tạo lại 1 triệu lao động  - Ảnh 1.

Lao động có hợp đồng, đóng BHXH sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề (ảnh minh họa, chụp tại Công ty May 10). Ảnh: Tạ Nguyệt

Trước đây chị Nguyễn Thị Lan (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trồng dưa lưới và dưa hấu phục vụ xuất khẩu. Thế nhưng khi có dịch, hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là nông sản xuất đi Trung Quốc gặp khó khăn, vì thế gia đình chị đã phải tạm dừng. Chị mong muốn được học nghề để có thể tìm kiếm công việc khác phù hợp, cho thu nhập ổn định hơn. "Làm nông nghiệp khá vất vả, sản xuất hoa quả thời gian qua gặp nhiều khó khăn, gia đình nhiều đợt thua lỗ. Nếu có thể, tôi muốn học nghề để chuyển đổi công việc, có thể là nghề làm tóc hoặc nghề chăm sóc sắc đẹp" - chị Lan tâm sự.

Tại các khu công nghiệp, nhu cầu tái đào tạo, bồi dưỡng lại tay nghề cho lao động cũng đang được doanh nghiệp quan tâm.

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dịch Covid - 19 khiến trong quý I/2020, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cùng lúc đối mặt với tác động kép, khi mà vừa thiếu nguyên liệu đầu vào, vừa bị tắc đầu ra do sản phẩm không thể xuất khẩu. Một số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt may đã phải phá sản, lao động thất nghiệp. Cũng có một bộ phận doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất, sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình dịch.

"Trong bối cảnh chuyển đổi ấy, các lao động rất cần được đào tạo lại để thích ứng với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh mà còn giúp lao động nâng cao trình độ, tay nghề, thích ứng được với mọi hoàn cảnh chuyển đổi" - ông Dương nói.

Đánh giá của Bộ LĐTBXH, do ảnh hưởng dịch Covid-19, có tới 86% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khoảng 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.

Cũng theo Bộ LĐTBXH, sau dịch, với quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000 - 80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

Hỗ trợ dạy nghề theo nhu cầu nông dân

Trong bối cảnh đất nước đã kiểm soát được dịch, ưu tiên hàng đầu lúc này là tập trung tái cấu trúc nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị để phục vụ sản xuất. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ trình với Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này. Bộ đề xuất với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nguồn nhân lực.

Dự kiến chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ, đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm a, điểm d Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, có doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019 được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng, áp dụng từ thời điểm ban hành Nghị quyết đến 31 tháng 12/2020.

Về phương thức thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tập trung đào tạo và đào tạo lại lao động tại doanh nghiệp. Việc đào tạo sẽ gắn với trường nghề, với hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp trong quá trình triển khai; kết thúc đào tạo, doanh nghiệp sẽ trực tiếp cấp chứng nhận. Với khu vực nông thôn thì tiếp tục đào tạo nghề nhằm tái cơ cấu nông nghiệp...

Theo dự thảo mà Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đề xuất, đối tượng được nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề là lao động có tham gia BHXH, chịu tác động của dịch bệnh, giảm sâu thu nhập. Tương tự, các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ đào tạo lại lao động từ nguồn quỹ kết dư của bảo hiểm thất nghiệp phải là doanh nghiệp giảm doanh thu (tối đa 30%) và thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phải cắt giảm từ 30-50% lao động trở lên và quy mô phải từ 300 lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp này phải là doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có đủ kinh phí để trả tiền đào tạo.

Chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo lại cho 1 triệu lao động. Mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ sẽ lên tới 6.000 tỷ đồng.

Ông Trương Anh Dũng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Đây là cơ hội lớn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng là cơ hội để tái cấu trúc lao động trong các doanh nghiệp theo hướng đa năng, nhằm thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế".

Theo ông Đào Trọng Độ - Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), lao động có hợp đồng trong khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề lại từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Riêng lao động nông thôn sẽ được đào tạo dựa trên nguồn kinh phí từ chương trình đề án 1956.

"Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, rà soát, điều tra, tổng hợp lại nhu cầu học nghề của nông dân sau dịch bệnh, từ đó để có kế hoạch dạy nghề phù hợp. Không chỉ dạy nghề để tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn dạy nghề để đưa lao động bị thất nghiệp, quay trở lại thị trường lao động" - ông Đào Trọng Độ nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem