Dịch Covid-19 khiến 10 triệu lao động tự do lâm cảnh sống bấp bênh

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 04/05/2020 06:05 AM (GMT+7)
Một nửa số lao động toàn cầu đối mặt với nguy cơ mất việc, số khác có thể bị giảm thu nhập, hoặc phải làm những công việc không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ để kiếm sống. Tình trạng này “thảm” hơn với lao động thuộc khu vực phi chính thức.
Bình luận 0

80% lao động chịu ảnh hưởng

Gần như 1-2 tháng qua, khi toàn thế giới đối mặt với dịch Covid-19, lao động “chỉ có ra mà không có vào” thị trường lao động. Chưa bao giờ tỷ lệ lao động thất nghiệp trên toàn thế giới lại lớn đến vậy.

Liên tục trong một tháng trở lại đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố nhiều báo cáo, đánh giá tác động nhằm xây dựng phương án hỗ trợ tìm kiếm hướng đi cho thị trường lao động quốc tế.

img

Bà Đoàn Thị Trường (Hưng Yên) nhận quà do Báo NTNN/Dân Việt trao tặng ngày 28/4. Ảnh: L.H

Các báo cáo đều cho thấy thị trường lao động việc làm quốc tế đang hứng chịu những tác động rất khủng khiếp từ dịch Covid-19. Trong đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất chính là nhóm lao động tự do, lao động kinh tế phi chính thức, gồm cả lao động làm nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO cho rằng chưa bao giờ thị trường lao động thế giới lại bị tác động mạnh mẽ như vậy. Một nửa lao động trên toàn cầu có thể bị mất việc, một phần khác có thể bị giảm thu nhập nghiêm trọng, rơi vào cảnh nghèo đói.

Theo “Báo cáo nhanh số 3 của ILO: Đại dịch Covid-19 và thế giới việc làm”, dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý này (quý II năm 2020) sẽ tồi tệ hơn nhiều so với ước tính trước đây. Nguyên nhân được chỉ ra do các chính sách phong tỏa trong thời gian vừa qua, giờ mới bắt đầu phát tác.

Các chuyên gia lao động quốc tế cho rằng, khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức  trên thế giới chịu ảnh hưởng. Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa, hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Thị trường lao động cần được trợ sức

"Tuy có vai trò quan trọng nhưng thực tế, rất nhiều lao động ở khu vực phi chính thức lại đối diện với tình trạng mất việc làm, hoặc có việc làm nhưng bị giảm sâu thu nhập".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương

ILO ước tính tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã khiến 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Theo khu vực địa lý, tỷ lệ này là 81% ở châu Phi, châu Mỹ, 21,6% ở châu Á và Thái Bình Dương và 70% ở châu Âu và Trung Á.

Tại Việt Nam, dịch Covid -19 cũng đã làm hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 10 triệu lao động nằm ở khu vực kinh tế phi chính thức. Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, lao động tự do và lao động khu vực phi chính thức là nhóm chịu tác động mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, do vấn đề khảo sát, thống kê còn có một số khó khăn nên việc hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng sẽ đến tay nhóm này chậm hơn một số nhóm khác.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động thì cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế phi chính thức, trong đó có kinh tế nông nghiệp được xem là “sàn đỡ” vô cùng quan trọng của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì giúp chúng ta giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động khu vực phi chính thức. Thêm vào đó, nguồn thực phẩm mà khu vực này cung ứng cho thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, để đất nước chống chọi với dịch bệnh. "Tuy có vai trò quan trọng nhưng thực tế, rất nhiều lao động ở khu vực phi chính thức lại đối diện với tình trạng mất việc làm, hoặc có việc làm nhưng bị giảm sâu thu nhập" - bà Hương nói.

Bà Hương lấy ví dụ: Hầu hết lao động tự do làm nghề bán hàng rong, bán vé số, bốc vác... đã phải nghỉ việc do lệnh giãn cách xã hội. Còn đối với khu vực nông nghiệp, dù nông dân vẫn duy trì sản xuất, nhưng vì hàng hóa lưu thông chậm nên rất nhiều nông dân làm ăn thua lỗ, hoặc giảm sâu thu nhập.

Trong bối cảnh đó, để bảo vệ nền kinh tế phi chính thức, đảm bảo sàn an sinh, tạo việc làm bền vững bà Lan Hương cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải có sự trợ giúp tích cực với những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và lao động bị ảnh hưởng cần được làm khẩn trương. Bởi vì không lâu sau khi dịch bệnh được kiểm soát chúng ta cần phải có đòn bẩy để hỗ trợ lao động và doanh nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Biện pháp hữu hiệu để khai thông thị trường lao động là tăng tín dụng cho các doanh nghiệp, tạo ra việc làm mới. Đồng thời đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động để họ thích ứng với môi trường làm việc mới, tái trở lại thị trường lao động" - bà Lan Hương nói.

img

Đối diện nguy cơ bị hủy hoại sinh kế

Với hàng triệu người lao động, không có thu nhập đồng nghĩa với việc không có thức ăn, không có an ninh và không có tương lai. Đây là bộ mặt thật của thế giới việc làm. Nếu bây giờ chúng ta không giúp đỡ họ, đơn giản là họ sẽ không thể tồn tại. Số giờ làm việc tiếp tục bị giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 bùng phát sẽ khiến cho 1,6 tỷ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, tức gần nửa lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại sinh kế.

Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO

img

Cần chính sách “chính thức hóa việc làm”

"Hiện nay chính sách của chúng ta đã có những điều chỉnh để tiếp cận với nhóm lao động tự do. Mặc dù vậy, lao động tự do vẫn chưa thể tiếp cận được với BHXH tự nguyện. Một số vấn đề xác nhận tạm trú, nhân thân... vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt trong mùa dịch lao động di cư đối diện với rất nhiều khó khăn. Họ vừa bị mất việc làm, vừa không có thu nhập lại phải cần tiền để chi trả tiền nhà trọ, sinh sống. Chính bởi vậy, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện, trước mắt là khẩn trương hỗ trợ tiền từ gói 62.000 tỷ đồng. Tiếp đó cần phải có chính sách "chính thức hóa việc làm" để họ được tiếp cận với những việc làm tốt. ".

Bà Nguyễn Thu Giang - Trưởng ban Điều phối Mạng lưới Hành động vì lao động di cư Mnet

img

Lao động di cư cần hỗ trợ gấp

"Mặc dù dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống nhưng hiện nay chúng tôi vẫn chưa thể đi làm trở lại như bình thường. Trước đây tôi đi bán chổi, nhưng vì dịch Covid -19 tôi đã phải nghỉ làm hơn 1 tháng nay. Đầu tuần vừa rồi mới đi bán lại chổi chít, nhưng có vẻ như lượng khách mua cũng ít. Mỗi ngày chỉ bán được 4-5 cái, thu nhập không đủ sống. Rất mong địa phương sớm hoàn tất việc chi trả tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ chị em lao động di cư bán hàng rong khó khăn như chúng tôi".

Bà Phạm Thị Hậu - Lao động di cư tại phường Phúc Tân (Hà Nội)

Minh Nguyệt (ghi)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem