Khôi phục truyền thống mặc áo dài nam - Quốc phục mang nhiều đạo lý

Hà Thúy Phương - Ảnh Nhóm Đình làng Việt Thứ bảy, ngày 25/01/2020 16:50 PM (GMT+7)
Bộ trang phục áo dài được anh em trong nhóm Đình làng Việt khích lệ nhau may và mặc khoảng 2-3 năm trước đây. Ban đầu các thành viên nam mặc áo dài có nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm chưa được chuẩn mực và đẹp như bây giờ. Sau khi đi sâu vào tìm hiểu chiếc áo dài nam ngũ thân như các cụ ta xưa đã từng mặc, nhóm Đình làng Việt càng thêm tự hào, từ đó nảy sinh ý muốn phục dựng, phổ biến chiếc áo dài truyền thống trong cuộc sống hôm nay.
Bình luận 0

img

Áo dài nam ngũ thân đã trở thành Quốc phục từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. 

Áo dài nam ngũ thân cổ đứng, tay chít ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trước đó, lề lối ăn mặc của người Việt khá đơn giản với màu sắc tối như nâu, đen, phụ nữ mặc áo tứ thân, váy đụp, đàn ông thì càng đơn giản hơn, quần lá tọạ đũng sâu, áo cánh hay có khi cởi trần do thời tiết nóng bức. Nhìn thấy cảnh người dân ăn mặc nhếch nhác, Võ Vương ra chỉ dụ thay đổi trang phục theo lề lối nghiêm túc hơn: "quần chân, áo chít". Quần phải có ống và áo trước kia rất rộng thì giờ phải bó chít lại. Kể từ 1744 -1945, từ vua chúa đến thường dân Đàng Trong, Đàng Ngoài đều coi áo dài ngũ thân cổ đứng tay chít là Quốc phục. Bình dân mặc thường phục, giàu có mặc lụa, là, gấm, vóc sang quý.

img

Kể từ 1744 -1945, từ vua chúa đến thường dân Đàng Trong, Đàng Ngoài đều coi áo dài ngũ thân cổ đứng tay chít là Quốc phục. Bình dân mặc thường phục, giàu có mặc lụa,là, gấm, vóc sang quý.

Áo dài ngũ thân cổ cao 1 tấc (4cm) có năm khuy cài. Năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ - mẫu và một thân của người mặc áo. Năm khuy áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Bộ trang phục áo dài ngũ thân luôn đi kèm với khăn vấn (quấn) hoặc khăn đóng hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất. Cách vấn khăn này tượng trưng cho lòng nhân nghĩa, trung hiếu phải luôn được đặt lên hàng đầu. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Tấm vải nhiễu màu đỏ phủ lấy giá gương nơi người đàn ông soi mình xem y phục có xứng với kỳ đức không. Giống như làm người phải lấy lòng bao dung, tình yêu thương mới tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc.

img

Xét thấy ý nghĩa nhân văn đó, nhóm Đình làng Việt đã nghiên cứu về áo dài, làm thế nào để áo dài đi vào cuộc sống đương đại. Một trong những đơn vị đã thử nghiệm việc mặc áo dài nam là Bộ ngoại giao, bộ mặt của quốc gia trên phương diện đối ngoại. Các đại sứ Việt Nam và những người trong ngành ngoại giao Việt Nam đã dần dần mặc áo dài nhiều hơn tại các hoạt động của sứ quán ở nước ngoài như ông Trần Ngọc An, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutal, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Úc. Trong đó, đại sứ Phạm Sanh Châu là một trong những người tích cực nhất.

img

Vừa qua, nhóm Đình làng Việt cũng có buổi gặp gỡ Đoàn thanh niên của Bộ Ngoại giao để nói chuyện về áo dài ngũ thân. Tiếp đó là các cơ quan làm về du lịch,  hàng không, những cơ quan nếu nhân viên mặc đồng bộ sẽ tạo ra hình ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc.

img

Đại sứ Phạm Sanh Châu và phu nhân chụp ảnh cùng Nhà vua Bhutan sau Lễ trình Quốc thư. Ảnh: Hoàng gia Bhutan

Để chứng minh việc mặc áo dài không hề bất tiện, anh Đinh Hồng Cường – nhóm Đình làng Việt cho biết: “Khi người đàn ông mặc áo dài còn có bộ áo lót bên trong màu trắng. Khi làm việc thì người mặc có thể bỏ áo dài ra và treo trên mắc, khi có khách thì mặc lên. Thời hiện đại còn có đôi giày, trước kia đi guốc thì có thể bất tiện, giờ đi giày nên rất năng động, linh hoạt.”

img

Áo ngũ thân có chiều ngang thân áo rộng hơn loại áo bình thường ta vẫn thường thấy, hơi xòe ra như cánh quạt, có thể 80cm – 86cm trước ngực theo trục tung từ trên cổ áo xuống gấu áo và đằng sau sống lưng. Việc nối sống áo làm đứng áo, khi ngồi 2 thân trước và thân con phía trong để phần thân và đùi của người mặc không bị lộ ra. Dù ngày nay, kỹ thuật dệt khổ vải đã rộng tới 1,6m nhưng nguyên tắc nối sống áo vẫn phải được tuân thủ giữ nguyên như truyền thống của các cụ.

img

Kiểu áo ngày nay mà ta thường thấy chỉ có hai thân trước và sau, thiếu 3 thân, bởi vậy khi ngồi, nếu mở rộng chân thì có thể lộ ra phần quần, sẽ kém trang trọng hoặc nếu không muốn bị lộ quần thì người mặc ngồi chụm chân lại thì thiếu đi sự đường vệ của phong thái đàn ông. Thực chất kiểu áo hai thân này trước kia không hề có mà do sự sáng tạo của các nhà thiết kế để giản lược chiếc áo dài nam.

img

Việc may được chiếc áo dài nam ngũ thân không phải là điều đơn giản. Theo sự tìm hiểu của thành viên nhóm Đình làng Việt, hiện tại chỉ còn vài nhà thiết kế có thể may được áo dài ngũ thân. Thứ nhất là nghệ nhân của làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là nơi có truyền thống may áo dài nữ lâu năm nhưng chỉ có duy nhất anh Đỗ Minh Tám may được áo dài nam ngũ thân. Anh Tám được tổ tiên truyền nghề cho, thời đổi mới anh từng may áo nữ. Nhóm Đình làng Việt và anh Đỗ Minh Tám cùng nhau phục dựng được áo dài ngũ thân.

img

Người tiếp theo là một thanh niên thế hệ 9x tên Đinh Quang Trung ở Đông Ngạc, Từ Liêm, do yêu thích chiếc áo dài, cậu tự tìm hiểu các công đoạn và có thể tự may từ A-Z. Để may được chiếc áo dài có rất nhiều công đoạn với nhiều kỹ thuật khác nhau, như có người chuyên cắt, có người chuyên khâu những đường khâu với kỹ thuật được gọi là “trong dán hồ, ngoài phô trứng rận”. Nghĩa là bên trong tà áo như được dán một lớp hồ phẳng phiu, không nhìn thấy đường kim mũi chỉ nào, còn bên ngoài phô ra đường chỉ đều tăm tắp như hàng trứng con rận, rất tinh tế.

img

Trần Nguyễn Trung Hiếu đang hoàn thiện cặp áo năm thân. Ảnh: Lê Huỳnh Hiếu

Ở Hà Nội có Công ty Ỷ Vân Hiên, nhà thiết kế Trần Nguyễn Trung Hiếu (TP.Hồ Chí Minh) cũng may áo dài ngũ thân… Tuy mỗi nơi có những phong cách khác nhau, nhưng nhất định phải đủ 5 thân, còn độ tinh xảo, kỹ thuật của từng người cũng khác nhau.

img

Đây cũng là một trong những thách thức khi muốn mang áo dài ngũ thân trở lại phổ cập trong đời sống. Nhóm Đình làng Việt cũng động viên anh Đỗ Minh Tám phổ biến kỹ thuật, dạy nghề để nhiều người làm được. Việc này cũng cần sự chung tay của Nhà nước vì nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thế mạnh của chúng ta không phải về KHKT mà là về tài nguyên thiên nhiên, và con người cùng sự tinh xảo thuộc về thủ công mỹ nghệ. Nếu được quan tâm, ưu ái, những ngành nghề có truyền thống lâu đời sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn.  

img

Nước ta sơn kỳ thủy tú, khai thác du lịch tâm linh, du lịch các làng nghề truyền thống là thế mạnh, cần tập trung các nguồn lực, cần chung tay bảo tồn các di sản văn hóa tổ tiên. Nhưng chúng ta hiện nay chưa quan tâm đúng mức, chưa có người tâm huyết đúng mức. Nhóm Đình làng Việt với những kỳ vọng của mình, vì tình yêu văn hóa truyền thống đã tự bỏ tiền, tự vận động mọi người phục dựng áo dài ngũ thân cũng như những hoạt động Tết Việt truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem