Tính đến thời điểm này, có thể nói ông Đặng Thanh Bình là người nắm vị trí lãnh đạo cao nhất trong NHNN bị khởi tố liên quan đến đại án kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.
Khi còn đương nhiệm, ông Bình là người được giao chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong một thời gian dài.
Trong năm 2012, tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (trước tái cơ cấu là ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank) là một trong 6 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo hướng sáp nhập, hợp nhất và tự tái cơ cấu. Ngân hàng Xây dựng được chọn phương án tự tái cơ cấu giống như TPBank là vì tìm được nhà đầu tư.
Tổ giám sát NHNN bị qua mặt?
Sau khi trình phương án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lên Chính phủ vào tháng 2.2012, đến tháng 3.2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trên cơ sở đó, NHNN giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh Long An đặt Tổ giám sát tại TrustBank.
Khi NHNN chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh và Công ty Thiên Thanh đã nắm quyền kiểm soát với 84,92% cổ phần trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Trong quá trình tái cơ cấu, Phạm Công Danh đã đổi tên TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng và chịu sư kiểm soát của NHNN. Theo đó, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN (theo Quyết định số 12/QĐ-NHNN ngày 14.2.2012).
Nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình là người phụ trách trực tiếp về tái cơ cấu và tổ giám sát NHNN (Ảnh: IT)
Tổ giám sát có 4 người gồm: Hà Tuấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát VNCB; Phạm Thế Tuân, nguyên tổ phó tổ giám sát Ngân hàng Xây dựng, thành viên HĐTV ngân hàng Xây dựng cùng 2 thành viên tổ giám sát NHNN là Ngô Văn Thanh, Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank, Chi nhánh Long An và Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN, Chi nhánh Long An.
Nhiệm vụ của Tổ giám sát là tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu TrustBank thực hiện kiểm toán độc lập; triển khai phương án tái cơ cấu bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới, đại diện là ông Phạm Công Danh, mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu ngân hàng.
Tuy nhiên, Tổ giám sát đặt tại TrustBank (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng) đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có 15.670 tỷ đồng không thể thu hồi được. Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Trong số hơn 18.000 tỷ đồng mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút ra từ Ngân hàng Xây dựng có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát. Số tiền rút ra được ngân hàng Xây dựng mang đi gửi tại các NHTM, nhưng Tổ giám sát không giám sát mà để Phạm Công Danh dùng số tiền đó bảo lãnh cho các công ty “sân sau”, nhằm vay tiền ngân hàng, sử dụng tiền vay sử dụng riêng đến nay không thể thu hồi.
Ông Đặng Thanh Bình thời điểm đó được Thống đốc giao phụ trách trực tiếp mảng thanh tra, giám sát ngân hàng, là người chỉ đạo, quản lý trực tiếp các Tổ giám sát tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Do vậy, khi 4 thành viên tổ giám sát NHNN bị truy tố, thì ông Bình, với trách nhiệm là người cao nhất lãnh đạo trực tiếp cũng không khỏi liên đới.
Trách nhiệm NHNN?
Kể từ khi nhóm cổ đông mới (bản chất là của Phạm Công Danh) quản trị, điều hành ngân hàng, kết quả hoạt động của Ngân hàng Xây dựng không khả quan mà theo chiều hướng kết quả kinh doanh ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động
Theo kế luận thanh tra ngày 10.7.2012, của NHNN, tại thời điểm thanh tra Ngân hàng Xây dựng có thực trạng tài chính là ốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.854 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 6.061 tỷ đồng.
Nhưng đến cuối năm, theo báo cáo tài chính ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ luỹ kế hơn 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 5.711 tỷ đồng.
Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng (Ảnh: IT)
Theo báo cáo tài chính ngân hàng Xây dựng năm 2013 đã kiểm toán, kế quả kinh doanh lỗ luỹ kế hơn 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (ngày 26.7.2014), vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Xây dựng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Hậu quả đó có nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra.
Điều đáng nói, năm 1991, Phạm Công Danh đã bị Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ra cáo trạng truy tố ông Danh tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Theo đó, tại bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Danh 6 năm tù giam. Đến ngày 10.3.1997, do lao động cải tạo tốt, ông Danh được trả tự do…
Theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16-7-2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của NHTM. Điều 19 qui định: "Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ" qui định tại điểm 1, mục c và điểm 2, mục a đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên không được là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng.
Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua Đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Vậy vì sao với một người đã có tiền án như ông Phạm Công Danh vẫn được phê chuẩn, bổ nhiệm chức danh cấp cao trong Ngân hàng Xây dựng, dẫn tới những hệ lụy như hiện nay? Trách nhiệm của NHNN trong vụ việc này tới đâu?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.