Khối u thận "bò" lên tĩnh mạch, nhiều chuyên khoa phối hợp khẩn để mổ bằng robot

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 24/07/2022 15:57 PM (GMT+7)
Phát hiện ung thư khi khối u trong thận đã quá lớn, dính vào tá tràng và bắt đầu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đã phải phối hợp nhiều chuyên khoa để phẫu thuật lấy khối u cho bệnh nhân.
Bình luận 0
Khối u thận "bò" lên tĩnh mạch, nhiều chuyên khoa phối hợp khẩn để mổ bằng robot - Ảnh 1.

Ê kíp bắt đầu mổ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ông M. V.T (73 tuổi) phát hiện bị ung thư thận vào tháng 5 và tìm đến các bài thuốc dân gian nhưng khối u lớn rất nhanh. Tháng 7, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Bình Dân, ban đầu, bác sĩ ghi nhận chồi bướu mới lú vào 1 phần tĩnh mạch chủ. Nhưng 2 tuần sau, bướu đã bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái, dính vào tá tràng.

Các bác sĩ xác định diễn tiến bệnh rất nhanh. Nếu chần chừ can thiệp, chồi bướu sẽ đi theo đường tĩnh mạch, chạy lên tim gây tử vong nhanh chóng.

Bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa ngoại tiêu hoá, tim – mạch máu, ngoại niệu, gây mê hồi sức… để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết. Mục tiêu là bóc tách khối u dính ở ruột an toàn, cắt thận phải, rạch tĩnh mạch chủ để lấy chồi bướu đang bít bên trong bằng phẫu thuật robot.

BSCKII Nguyễn Phú Hữu, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá thực hiện phần việc đầu tiên là tách khối u khỏi tá tràng. Bác sĩ Hữu cho biết, phần rễ và hạch của bướu đã dính vào tá tràng, mục tiêu là phải bóc toàn bộ phần dính này ra khỏi ruột để ê kíp ngoại niệu cắt phần thận chứa khối u. Các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn tình huống phải cắt một đoạn tá tràng rồi nối lại nếu việc bóc tách quá phức tạp. Rất may, toàn bộ phần rễ, hạch của khối u được bóc thành công, tạo điều kiện thuận lợi cho ê kíp cắt thận ngay sau đó.

Căng thẳng nhất là quá trình mở tĩnh mạch để lấy chồi bướu. Theo bác sĩ Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, ê kíp bắt buộc phải lấy toàn bộ khối bướu, không thể cắt đứt từng phần. Nếu thao tác đứt, bướu sẽ di chuyển theo dòng máu về tim, đi đến phổi, bít động mạch phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong.

Công đoạn này phải thực hiện nhanh, do phải khống chế tĩnh mạch chủ. Nếu thời gian kẹp tĩnh mạch chủ kéo dài, máu không thể về tim, bệnh nhân cũng sẽ nguy kịch. Ê kíp gây mê hồi sức chỉ cho phép kẹp tĩnh mạch chủ trong tối đa 45 phút và các bác sĩ tim – mạch máu đã thực hiện phẫu thuật trong 32 phút.

Trong 32 phút khống chế tuần hoàn, ê kíp đã bóc hết chồi bướu và khâu lại tĩnh mạch chủ. Khối bướu lấy ra khá lớn, kích thước 7x10cm.

"Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ nhưng 32 phút này là căng thẳng nhất", các bác sĩ thực hiện phẫu thuật chia sẻ và khẳng định, trong các yếu tố thành công lần này, phải kể đến ưu thế của robot phẫu thuật. Cánh tay robot có thể xoay 360 độ, linh hoạt hơn cả bàn tay con người, hình ảnh phóng đại gấp 10 lần nên các thao tác rất gọn gàng, chính xác, ưu thế hơn nhiều so với mổ mở truyền thống, đồng thời vết mổ nhỏ nên bệnh nhân hồi phục rất nhanh, xuất viện sau 6 ngày.

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân cho biết, thông thường, ung thư thận có thể phát hiện sớm. Trường hợp này, bệnh đã diễn tiến khoảng 3-5 năm mà bệnh nhân không hay biết nên khối u xâm lấn vào lòng tĩnh mạch.

Khối u thận "bò" lên tĩnh mạch, nhiều chuyên khoa phối hợp khẩn để mổ bằng robot - Ảnh 3.

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A đang thực hiện phẫu thuật bằng robot. Ảnh: BVCC

Trước đây, Bệnh viện Bình Dân từng gặp 1 ca tương tự. Tuy nhiên, người bệnh chần chừ không phẫu thuật nên hơn 1 tháng sau, chồi bướu chạy lên tim, bệnh nhân tử vong.

Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% các trường hợp ung thư thận. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng và khi người bệnh được phẫu thuật cắt thận và lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch thì tỷ lệ sống sau 5 năm trung bình là 64% (46-82%).

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ trước cho đến nay, tại Việt Nam, khi phát hiện ung thư thận có chồi bướu trong lòng tĩnh mạch chủ đều được can thiệp điều trị bằng phương thức mổ mở. Với thành công của ca phẫu thuật nội soi robot, có thể nói rằng Bệnh viện Bình Dân đã hoàn thiện được tất cả các ca phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành ngoại tiết niệu. Đây là can thiệp chuyên sâu nhưng ít xâm hại: đường mổ nhỏ, ít đau, hạn chế mất máu, hồi phục sớm và rút ngắn thời gian nằm viện, góp phần tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem