Khốn khổ với “lũ thủy điện”: “Trắng” kịch bản ứng phó thảm họa

Thứ tư, ngày 30/10/2013 06:59 AM (GMT+7)
Theo Nghị định 72 của Chính phủ, chủ đầu tư công trình thủy điện phải xây dựng kịch bản đề phòng sự cố khẩn cấp vỡ đập. Thế nhưng, hiện rất nhiều các công trình thủy điện ở miền Trung đều không có kịch bản ứng phó khẩn cấp này...
Bình luận 0
Có thảm hoạ không biết xoay xở thế nào

Thủy điện Bình Điền nằm trên sông Hữu Trạch là 1 trong 3 công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Trong trận lũ năm 2009, trước việc an toàn đập bị uy hiếp, Thủy điện Bình Điền phải xả lũ khẩn cấp. Tuy nhiên, lúc này, 1 trong 5 cánh cửa van của công trình bị tê liệt, không thể kéo lên để xả nước, khiến đập có nguy cơ bị vỡ rất cao.

Theo quy định của Chính phủ, thuỷ điện phải có phương án ứng phó với thảm hoạ vỡ đập có thể xảy ra. Cụ thể là phải đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho tính mạng, tài sản người dân chung quanh, nhất là dân vùng hạ du thủy điện. Vậy nhưng, đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư công trình thuỷ điện Bình Điền vẫn chưa xây dựng kịch bản ứng phó vỡ đập.

Thân đập nằm gần chính giữa vị trí đứt gãy địa chất kiến tạo, lại không có kịch bản ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập khiến Thủy điện Bình Điền là mối họa khôn lường.
Thân đập nằm gần chính giữa vị trí đứt gãy địa chất kiến tạo, lại không có kịch bản ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập khiến Thủy điện Bình Điền là mối họa khôn lường.

Trường hợp Thủy điện Bình Điền cũng là thực trạng chung của các công trình thủy điện khác ở Thừa Thiên- Huế, như Thủy điện A Lưới, Thủy điện Hương Điền. Ông Nguyễn Quốc Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Hiện chủ đầu tư công trình Thủy điện A Lưới mới chỉ có kịch bản vận hành hồ chứa, còn kịch bản ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập vẫn chưa xây dựng. Không chỉ chính quyền huyện A Lưới lo ngại về tình trạng này, mà chính quyền địa phương của Lào cũng rất lo ngại vì công trình thủy điện này xả lũ về phía Lào.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã có quy định nhưng hiện chưa có công trình thủy điện nào trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xây dựng kịch bản ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập”. Theo ông Hùng, nguyên nhân của tình trạng này là do việc xây dựng kịch bản ứng phó vỡ đập gặp nhiều khó khăn về vấn đề tư vấn và cần kinh phí lớn mới có thể khảo sát, đánh giá tình trạng ngập lụt vùng hạ du và xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp… Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn để xây dựng kịch bản, nên chủ đầu tư không biết xây dựng theo kiểu nào, đánh giá và nghiệm thu ra sao…

Đối phó với vỡ đập: chuyện bí mật?


Không chỉ ở Thừa Thiên - Huế, hầu hết các thủy điện ở miền Trung đều không có kịch bản ứng phó với thảm hoạ vỡ đập có thể xảy ra. Điều này có thể thấy ở sự bị động của các địa phương và thiệt hại khủng khiếp mà người dân vùng hạ du các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai đã gánh chịu khi xảy ra vỡ đập Thủy điện nhỏ ĐăKrông 3 (Quảng Trị) và Ia Krêl 2 (Gia Lai) vừa qua. Nhìn những hậu quả nhãn tiền này mới hiểu được nỗi lo sợ dai dẳng của người dân Quảng Nam khi phải sống chung với 42 dự án thuỷ điện lớn nhỏ không hề có kịch bản ứng phó với thảm hoạ trên địa bàn mình. Ngay cả Thuỷ điện Sông Tranh 2 với hồ chứa hơn nửa triệu m3 nước, lại ở ngay trên vùng động đất cũng không có kịch bản ứng phó thảm hoạ.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết: Theo Nghị định số 72/2007 về quản lý an toàn đập và Thông tư số 34/2010 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện, chủ đập có trách nhiệm xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Tuy nhiên, đến nay các chủ hồ đập thủy điện ở Quảng Nam chưa thực hiện việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du”.

Trước sự phản ứng gay gắt của người dân và dư luận, vào tháng 8 vừa qua, Quảng Nam tổ chức cuộc diễn tập không phải để ứng phó với tình huống vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 với kịch bản là động đất có tâm chấn tại thuỷ điện này.

Thế nhưng, kịch bản này đã “né” một tình huống cực kỳ quan trọng là vỡ đập Thuỷ điện Sông Tranh 2. Lý do, đây là điều nhạy cảm, dễ gây hoang mang cho người dân, ngoài ra còn do không có bộ tiêu chuẩn để xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống này.

Ông Lê Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “UBND huyện Bắc Trà My cũng đã nghĩ đến tình huống khủng khiếp của vỡ đập. Chúng tôi cũng đã phân công cho từng cơ quan, đơn vị phải làm gì khi tình huống đó xảy ra. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm nên không thể nói rõ được”.

Tại Hội thảo “Kế hoạch sơ tán dân vùng động đất và vùng hạ du Thuỷ điện Sông Tranh 2 khi có thảm hoạ xảy ra”, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu thảm hoạ vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra, số dân cần sơ tán là trên 62.000 người của 145 thôn, khối phố (thuộc 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố). Chỉ với một Thủy điện Sông Tranh 2 mà ảnh hưởng đến 6,2 vạn người. Tuy nhiên, Quảng Nam có đến 42 thủy điện lớn nhỏ. Có khi một người ở Quảng Nam lại mang trên đầu đến vài ba cái thảm hoạ thủy điện như vậy!

An Sơn - Trương Hồng (An Sơn - Trương Hồng )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem