Khốn khổ với “lũ thủy điện”: Khiếm khuyết từ khi... chưa làm

Thứ ba, ngày 29/10/2013 07:17 AM (GMT+7)
Đi tìm hiểu nguyên nhân gây ra những hậu quả không mong muốn của các thuỷ điện, chúng tôi nhận thấy có công trình đã có khiếm khuyết ngay từ khi chưa xây dựng!
Bình luận 0
Họa bám dai dẳng

Trong các cơn bão số 8 và số 10 vừa qua, hàng loạt hộ dân ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) bị Thủy điện A Lưới- công trình thủy điện lớn nhất tỉnh (do Công ty CP Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư) gây thiệt hại nặng nề.

Đêm 18 và rạng sáng 19.9, khi bão số 8 đã thành áp thấp nhiệt đới, người dân các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng và Hồng Quảng hoảng hốt khi nước của hồ Thủy điện A Lưới dâng cao bất thường khiến nhà cửa, hoa màu bị nhấn chìm. Có tổng cộng 80 hộ dân bị ngập lụt, nhiều nhà ngập sâu 1,2m. Nhiều thôn bị nước lũ của thủy điện bao vây, biến thành ốc đảo.

Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang là nỗi ám ảnh về sự an toàn của rất nhiều người dân.
Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang là nỗi ám ảnh về sự an toàn của rất nhiều người dân.

Không chỉ trong dịp cơn bão số 8, mà trong cơn bão số 10, hàng loạt hộ dân ở các xã trên cũng bị Thủy điện A Lưới gây thiệt hại nặng. Trước đó, vào tháng 5.2012, khi Thủy điện A Lưới tích nước để phát điện, hàng loạt hộ dân cũng điêu đứng vì nhiều diện tích cây trồng, mồ mả bị nước của thủy điện nhấn chìm.

Điều đáng nói là, những hộ dân bị thiệt hại này đều nằm ngoài phạm vi lòng hồ Thủy điện A Lưới. Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: Nguyên nhân khiến nước của hồ Thủy điện A Lưới nhấn chìm nhà cửa, hoa màu của người dân sống ngoài lòng hồ là việc thiết kế công trình này không tính chính xác cao trình hồ. Mặt khác, do lòng hồ của công trình này có một đoạn eo nên khi mưa lớn nước nửa hồ phía trên đập bị ùn ứ và dâng cao mặc dù phía dưới đập có xả nước.

Ông Cường nói thêm, từ nay về sau chắc chắn 80 hộ dân các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng và Hồng Quảng sẽ phải sống chung với “lũ thủy điện”, đất sản xuất chỉ còn canh tác được vào mùa nắng. Bởi lẽ, theo chủ trương của tỉnh, những hộ dân trên sẽ không được di dời đến nơi ở mới mà chỉ di dời chạy lũ khi nước hồ thủy điện dâng cao.

Bất chấp động đất!

Cả chục trận động đất lớn nhỏ gieo rắc nỗi kinh hoàng lên cuộc sống người dân Bắc Trà My và nhiều địa phương khác tại Quảng Nam kể từ khi Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Cuộc sống người dân và hoạt động của chính quyền địa phương có nhiều xáo trộn, các cấp các ngành từ địa phương đến Chính phủ, Quốc hội phải tốn công sức, tiền bạc tìm phương kế khắc phục hậu quả. Tại họa này không phải trên trời rơi xuống mà đã được cảnh báo trước, thế nhưng những người quyết định việc xây dựng Thuỷ điện Sông Tranh 2 đã bỏ qua.

Địa phươngkhông đượctham gia
Ông Võ Thúy - Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương Quảng Nam) cho hay: “Đập Thủy điện Sông Tranh 2 do Bộ Công Thương thẩm định và quản lý . Toàn bộ bản thiết kế, cũng như bản vẽ, nghiệm thu công trình, Quảng Nam không được tham gia. Ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam cho biết: “Tất cả các thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh, khi đánh giá tác động môi trường chỉ có Bộ TNMT vào làm, địa phương không được can dự”.

TS Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định tại nhiều cuộc họp tại Quảng Nam: “Khi khảo sát xây dựng đập chính Thủy điện Sông Tranh, chủ đầu tư đã được cảnh báo là địa điểm lựa chọn (Bắc Trà My) có các đới đứt gãy địa chất đang hoạt động, có thể gây ra động đất. Dù vậy, nó vẫn được xây dựng tại đây”. Hậu quả là 30 cuộc động đất lớn nhỏ đã xảy ra kể từ khi thuỷ điện này tích nước và không ai dám chắc là đến bao giờ động đất hoàn toàn chấm dứt tại đây.

Thủy điện Sông Tranh 2 còn có một khiếm khuyết khác không thể khắc phục là không có cửa xả đáy. Theo ông Trần Minh Ý (50 tuổi) sống vùng Thủy điện Sông Tranh 2 nói:

“Nếu nước trong đập dâng đến cao trình cửa tràn là 161m, trong hồ có 468 triệu m3 nước. Nếu có sự cố gì thì toàn bộ “quả bom” nước này giội xuống dân chúng tôi. Tại sao một công trình với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng và có sức chứa nước khổng lồ như vậy, lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng thiết kế không có cửa xả đáy. Thật không hiểu nổi?

Ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My bức xúc: “Không có cửa xả đáy nên khi có sự cố, muốn xả cạn nước trong hồ để xử lý là bó tay”.

Trương Hồng – An Sơn (Trương Hồng – An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem