Trong Thông tư ban hành đầu tháng 1 về một số nội dung liên quan cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Bộ Tư pháp quy định từ ngày 18/2, người dân có thể sử dụng bản điện tử của giấy khai sinh, đăng ký kết hôn để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho bản giấy.
Để có được bản điện tử trên, người dân truy cập cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp tỉnh rồi đăng ký/đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn.
Sau đó, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến khai thông tin theo biểu mẫu điện tử, đính kèm bản chụp hoặc bản sao các giấy tờ, tài liệu theo quy định. Cuối cùng, công dân nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách khác theo quy định.
Khi giao dịch thành công, người dân sẽ nhận kết quả đăng ký hộ tịch qua một trong các phương thức: Thư điện tử; kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; thiết bị số thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp và được bảo mật.
Bộ Tư pháp cho biết theo Thông tư trên, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy; thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi đăng ký hộ tịch trực tiếp.
Đặc biệt, bản điện tử tích hợp mã QR liên thông tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Do đó, khi người dân giao dịch hành chính, các cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QR này.
Ngoài ra, thông tư mới nêu mỗi cá nhân có một bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử trong cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia, tương ứng với số định danh cá nhân trên căn cước công dân gắn chip.
Theo các quy định cũ, công dân cần có giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn khi làm các thủ tục như: Nhập học cho con; trẻ em đi máy bay; giao dịch, chuyển nhượng nhà đất; vay vốn ngân hàng,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.