Không có 'đũa thần' trong phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, ngày 12/09/2013 06:19 AM (GMT+7)
Khẳng định vai trò quan trọng của người dân và truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, luật sư Danforth Newcomb nêu rõ: Không thể có giải pháp nào là“cây đũa thần” với nạn tham nhũng.
Bình luận 0
Truyền thông là rất lớn

Ngày 11.9, Đại sứ quán Mỹ tổ chức buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, luật sư Newcomb (Hãng luật Shearman & Sterling) khẳng định: “Vai trò của công dân và truyền thông là rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng”.

Dẫn chứng về những vi phạm xung quanh vấn đề này, ông Newcomb đi từ khái niệm tham nhũng là “việc lạm dụng công quyền để trục lợi cá nhân” của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế để chỉ rõ: Một số những điều cấm cơ bản trong đạo luật các tập quán tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) là không được có hành vi đòi hỏi, vòi vĩnh, gợi ý đưa tiền hay cho phép hối lộ bất cứ thứ gì có giá trị cho một quan chức chính phủ nước ngoài.

Luật sư Danforth Newcomb.
Luật sư Danforth Newcomb.

Ông Newcomb đã lấy ví dụ một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ có trang thông tin điện tử để công dân các quốc gia này được nêu ý kiến mang tính quan sát, phát hiện về tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt”. Nhận được các câu hỏi của truyền thông Việt Nam xung quanh vấn đề này, ông Newcomb khẳng định: “Cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tự xây dựng một bộ tuân thủ và tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp và Chính phủ”.

Lấy hình ảnh “mỗi con người đội một chiếc mũ khác nhau” để ví von về công tác phòng chống tham nhũng của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có sự riêng biệt, luật sư Newcomb khẳng định: Truyền thông là cầu nối tích cực để công dân, công chức, viên chức phát hiện, báo cáo sai phạm về tham nhũng, hối lộ. “Tôi nêu vấn đề này là để mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức tự đúc rút kinh nghiệm bởi phòng, chống tham nhũng là cách làm cần mang tính tích hợp” - ông Newcomb nói.

Khuyến khích chống tham nhũng

Nhận được khá nhiều câu hỏi về vấn đề “làm thế nào để người dân chống tham nhũng, ông Newcomb chia sẻ: “Ở Mỹ, có nhiều cơ chế để người dân có thể tiếp cận vấn đề chống tham nhũng. Rất khó nói phương án nào là tốt nhất, nhưng ở thời điểm này, có rất nhiều kênh thông tin để chia sẻ và phát hiện, báo cáo về tham nhũng, hối lộ”.

Ông Newcomb là người sáng lập ra bộ phận thực hành luật về phòng, chống tham nhũng tại Hãng Luật Shearman & Sterling. Ông được Liên Hợp Quốc coi là chuyên gia về các vấn đề đạo đức và tuân thủ và đã giữ cương vị là chuyên gia theo dõi mức tuân thủ của những chủ thể chịu án phạt của Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

Ông cũng cho rằng, không thể có “cây đũa thần” trong phòng, chống tham nhũng”, nghĩa là đừng trông chờ một giải pháp, hay một cách thức gì đó kỳ diệu để giải quyết tệ nạn này, mà phải sử dụng nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau.

Ông Newcomb cho biết thêm: Ở Mỹ, để tăng cường tính khả thi và rộng rãi trong công tác phòng, chống tham nhũng thì ngoài việc tuyên truyền, Chính phủ Mỹ khuyến khích doanh nghiệp, người nghèo, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tự điều tra về tham nhũng.

Cách làm này đạt hiệu quả cao và tiết kiệm nhiều chi phí khi hầu hết các công ty tư nhân Mỹ có “đường dây nóng” để mỗi người có thể báo cáo khi phát hiện tham nhũng.

Chốt lại vấn đề, khi được hỏi về vấn đề cần ưu tiên nhất khi phòng, chống tham nhũng, ông Newcomb cho biết: “Với một quốc gia, điều quan trọng là hệ thống luật pháp có tính hiệu lực cao. Nếu đã tăng cường được tính độc lập và đủ nguồn lực là nguyên liệu để xử lý tham nhũng thì tất nhiên sẽ có hiệu quả”.

Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem